Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
2018 là năm bản lề cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Phiên họp thứ nhất năm 2018 của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế diễn ra sáng 11/1, tại Hà Nội.
 

2018 là năm bản lề cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Phiên họp thứ nhất năm 2018 của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế diễn ra sáng 11/1, tại Hà Nội.
 
Tích cực chủ động hội nhập

Phiên họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; các đồng chí lãnh đạo là ủy viên Ban chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành và một số địa phương, hiệp hội, ngành hàng…

Tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định năm 2017 đánh dấu nhiều thành công lớn với các kết quả quan trọng thông qua các sự kiện hội nhập trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế chính trị khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 của Việt Nam đã được triển khai với các điều kiện thuận lợi trong nước.

“Năm 2018 là một thời điểm hết sức quan trọng trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Việt Nam tiếp tục quán triệt đường lối chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Trong đó hội nhập kinh tế quốc tế giữ vai trò trọng tâm; Việt Nam đang bước vào giai đoạn thực hiện hội nhập sâu hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu thực thi các biện pháp cụ thể của lộ trình cam kết đến năm 2025 với các tiêu chí giám sát và đánh giá thiết thực hơn. Năm 2017 đánh dấu chặng đường hợp tác 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công năm APEC 2017 với hàng loạt các hội nghị lớn được tổ chức trong nước và các sáng kiến mới được đưa ra, góp phần quan trọng vào tiến trình mở rộng hợp tác và thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ngoài nước thông qua việc đàm phán và tham gia các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng…
 
 
Tập trung thực thi cam kết kinh tế quốc tế

Phiên họp tập trung tổng kết tình hình công tác hội nhập kinh tế quốc năm 2017 và phương hướng năm 2018, báo cáo kết quả thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp ngày 28/2/2017 theo Thông báo số 139/TB-VPCP ngày 15/3/2017 của Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế; Báo cáo về cơ chế điều phối liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế trong thực hiện, khai thác hiệu quả các FTA Việt Nam tham gia đã có hiệu lực.

“Năm 2018 sẽ có nhiều chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Đây là chủ trương nhất quán và xuyên suốt. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có một bước chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trong công tác hội nhập kể cả đàm phán, ký kết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn bị tâm thế cho hội nhập, đặc biệt là năng lực thực thi, hiện thực hóa FTA”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương, với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (KVFTA), với Chile (VCFTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEUFTA). Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong vào tháng 11/2017.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm…

Nếu thực hiện đồng bộ và thực hiện hiệu quả các FTA, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả, chúng ta có cơ hội đón nhận và tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các FTA.

Trên cơ sở triển khai các kết quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế 2017, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2018:

Thứ nhất, các Bộ ngành cần tập trung phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đưa ra phương án hợp lý để sớm kết thúc đàm phán và ký kết các FTA còn lại.

Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra nhằm chuẩn bị cho việc đánh giá 5 năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết về hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia sâu đậm hơn trong các tổ chức quốc tế và các FTA.

Thứ ba, chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA mới.

Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ.

Theo Báo điện tử Công Thương

Quảng cáo