Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Bộ Công Thương quyết chặn khuyến mại ảo
Bộ Công thương đang tổ chức lấy ý kiến cho việc sửa đổi Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thương mại 2005 về hoạt động xúc tiến thương mại.

 
Hạn chế kinh doanh mã code đa cấp
Ông Lê Anh Quân, Thư ký tổ Biên tập dự thảo chia sẻ, doanh nghiệp ngày càng chú trọng vào hoạt động xúc tiến thương mại, cụ thể là thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm thúc đẩy việc bán hàng, tăng doanh thu hoặc tham dự các hội chợ triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó là việc xuất hiện nhiều hoạt động khuyến mại ảo theo hình thức đa cấp để thu hút khách hàng... 
“Nghị định số 37 được ban hành đã lâu, hiện có nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế và có rất nhiều các hoạt động xúc tiến tiến thương mại được thực hiện với những cách thức, nội dung chưa có trong quy định dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát…”, ông Quân nhấn mạnh. 
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cũng thẳng thắn: “Tôi biết có nhiều doanh nghiệp tung ra chương trình khuyến mại với giải thưởng lên đến hàng trăm tỷ đồng để thu hút khách nhưng thực chất chỉ chi ra khoảng 3 đến 5 tỷ đồng, còn lại báo cáo là không ai trúng thưởng. Nhiều chương trình khuyến mại khủng nhưng các giải lớn đều năm trong tay người nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người tiêu dùng không bao giờ có cơ hội nhận được… như vậy là lừa người tiêu dùng”. 
Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 37/2006 dự kiến đưa ra quy định hạn mức để doanh nghiệp thực hiện việc trả thưởng khi thực hiện các chương trình khuyến mại. Quy định này sẽ hạn chế cả việc kinh doanh mã code mà doanh nghiệp đa cấp đưa ra như nếu không có hàng hóa thực sự mà chỉ lợi dụng để bán các mã cho khách hàng tham gia chương trình sẽ không được phép thực hiện.
“Dự thảo mới cũng bổ sung về hoạt động khuyến mại theo hướng đa cấp, theo đó không được tổ chức khuyến mại theo mạng lưới đối tượng được hưởng khuyến mại hưởng lợi ích từ hoạt động mua hàng của người khác trong mạng lưới…”, ông Tài lưu ý.
Bên cạnh đó dự thảo đã nới lỏng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tổ chức chương trình xúc tiến thương mại. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần gửi báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước và sau 7 ngày làm việc nếu không có phản hồi thì doanh nghiệp được tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại theo báo cáo… 
Nếu chương trình khuyến mại được tổ chức ở nhiều tỉnh doanh nghiệp chỉ cần báo cáo lên Bộ Công Thương qua trang điện tử thay vì phải gửi báo cáo đến tất cả các tỉnh thành như trước kia… 
Đề nghị sửa Luật Thương mại 2005
Góp ý cho nội dung dự thảo Nghị dịnh, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc sửa đổi Nghị định 37/2006 chỉ là điều chỉnh phần ngọn của vấn đề, trong khi phần phần gốc đóng vai trò quyết định là Luật Thương mại 2005 lại không sửa đổi sẽ phát sinh nhiều bất cập. 
Cụ thể, quy định về thương nhân thực hiện khuyến mại của dự thảo Nghị định đang khác với quy định của Luật Thương mại 2005. Luật Thương mại 2005 quy định “thương nhân thực hiện khuyến mại phải là người thực hiện trực tiếp”, đây là một quy định quá lỗi thời vì hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại nhưng không phải là bên thực hiện khuyến mại.
Thực tế bên tung ra chương trình khuyến mại là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm hoặc kinh doanh sản phẩm nhưng không trực tiếp thực hiện khuyến mại mà thuê doanh nghiệp khác thực hiện. Quy định “thương nhân phải thực hiện trực tiếp” này đang làm khó cho các doanh nghiệp hiện nay. 
Ngoài ra, quy định phạt khi vi phạm về khuyến mại giá sản phẩm cũng bị cho là bất hợp lí khi áp dụng đối với bên cung cấp dịch vụ trực tiếp thực hiện chương trình khuyến mại. 
Trong khi đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không được quyền quyết định giá sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp kinh doanh thương mại quyết định. 
Đặc biệt, thời điểm hiện nay khi giao dịch thương mại điện tử nở rộ, chỉ cần nhà sản xuất giảm giá thì hàng trên hệ thống thương mại điện tử tự động giảm theo. Giá sản phẩm có thể biến động từng giờ, nếu mỗi lần thay đổi lại phải thực hiện trình tự thủ tục báo cáo sẽ khiến cho mọi giao dịch bị chậm. 
Doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử thì bức xúc việc mình phải chịu phạt vì hành vi giảm giá trái quy định của nhà cung cấp sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đây là quy định đang tồn tại ở cả Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Lí giải việc này, đại diện Ban soạn thảo dự thảo Nghị định cho rằng các sàn thương mại điện tử phải có cơ chế giám sát mặt hàng, giá trị hàng được đẩy lên trên sàn. Hiện cả nước có khoảng 700 sàn thương mại điện tử đã đăng ký, mỗi sàn có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn doanh nghiệp tham gia. Với số lượng quá lớn như thế này cơ quan quản lý Nhà nước khó kiểm soát được hết do đó doanh nghiệp cung cấp sàn phải quản lý.
Phía các doanh nghiệp bán lẻ lại thắc mắc việc phát hành thẻ khách hàng thường xuyên và khách hàng mua bất kỳ sản phẩm nào trong hệ thống cũng được cộng điểm và nhận khuyến mại. Trong khi đó dự thảo Nghị định lại đưa ra danh mục hàng hóa bị cấp khuyến mại như rượu thuốc lá vậy khách hàng thường xuyên có được mua sản phẩm bị cấm khuyến mại hay không cần phải được làm rõ. 
Ngoài ra, quy định giá trị khuyến mại không vượt quá 50% giá trị hàng hóa dùng để khuyến mại sẽ rất khó cho các sản phẩm như thẻ ngân hàng vì không biết định lượng giá trị như thế nào. Việc không cho, tặng tiền mặt để khuyến mại có tính đến tiền chuyển khoản mà các ngân hàng đang thực hiện cho các chương trình khuyến mại hiện nay không?
Trong trường hợp hai doanh nghiệp cùng hợp tác đưa ra một chương trình khuyến mại trên trang điện tử thì bên nào phải thông báo cho cơ quản quản lý Nhà nước…?. Dự thảo cũng cần chỉ quy định rõ trong quá trình khuyến mại doanh nghiệp có được thay đổi cơ cấu, giá trị khuyến mại hay không vì có những chương trình khuyến mại kéo dài nhiều năm.
Về quy định doanh nghiệp phải nộp lại cho ngân sách 50% giá trị giải thưởng khuyến mại nếu không có người trúng thưởng cũng đang gặp phải phản đối của doanh nghiệp. Quy định không cho khuyến mại bằng tiền mặt do đó doanh nghiệp sử dụng hiện vật là chính hàng hóa của mình hoặc của đối tác khác để khuyến mại bằng thì việc nộp 50% này cho ngân sách được tính như thế nào, bằng vật chất hay quy ra bằng tiền. Đây là một quy định này làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Có doanh nghiệp còn đề nghị chuyển khoản tiền này cho một tổ chức từ thiện thay vì nộp vào ngân sách Nhà nước. 
Về việc này, ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, cho rằng, quy định nhằm hạn chế những chương trình khuyến mại ảo, tung ra chương trình khuyến mại để bán hàng nhưng thực chất là không có giải thưởng. Theo đó, doanh nghiệp công bố chương trình khuyến mại 1 tỷ đồng nhưng nếu chỉ trao được 500 triệu đồng cho khách trúng thưởng thì vẫn phải nộp 50% của số tiền 500 triệu đồng còn lại (tương đương 250 triệu đồng). 
Ông Mai Văn Sơn, thành viên Ban soạn thảo dự thảo Nghị định thừa nhận, hiện cơ quan quản lý Nhà nước đang lúng túng trong việc doanh nghiệp liên kết thực hiện một chương trình khuyến mại. 
Bên cạnh đó là các quy định về giá trị vật chất dùng để khuyến mại, việc xác định giá trị hàng cũng rất khó như đối với mặt hàng như thẻ ngân hàng… 
Nguyên nhân là do Nghị định 37/2006 hiện hành hướng dẫn Luật Thương mại 2005 nên vẫn có nhiều vấn đề vướng mắc do đó sẽ hiệu quả hơn nếu sửa đổi cả Luật thương mại 2005.

Quảng cáo