Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Đầu tư xây dựng chợ: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia
Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí này. Một số địa phương có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, những năm qua, số lượng chợ xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2018, cả nước xây mới hơn 860 chợ; cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ. Các chợ xây dựng mới chủ yếu ở khu đô thị mới, còn tại các khu đô thị cũ phần lớn là chợ cũ được nâng cấp cải tạo, một số chợ không còn phù hợp đã được di dời...
Cùng với mạng lưới chợ, các loại hình hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại cũng được quan tâm đầu tư có sự tăng trưởng nhanh, tập trung chủ yếu ở đô thị và thu hút đầu tư từ doanh nghiệp (DN) nước ngoài.
Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 8/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí một cách cụ thể và rõ ràng hơn.
Về phía địa phương, các Sở Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với sở, ngành, tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành các quy hoạch phù hợp với từng thời kỳ, nhằm định hướng phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn một cách đồng bộ; tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh/thành phố.
Qua rà soát, đến nay, cả nước có 7.867 xã đạt tiêu chí số 7, bằng 88,4%, tăng 75,7% so với năm 2010 và tăng 30,45% so với năm 2015; trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 7 cao là: Đồng bằng sông Hồng 97,2%; Duyên hải Nam Trung bộ 87,6%; Đông Nam bộ 90,3%. Các tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM về tiêu chí số 7, gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
Mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch đã hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương. Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở đô thị và thu hút đầu tư từ DN nước ngoài.
Để phát triển hạ tầng thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh theo hướng văn minh, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tin từ Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Ngành Công Thương chung sức xây dựng NTM"; đa dạng hóa hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng NTM; quán triệt tư tưởng "Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc"; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển thương mại đã được phê duyệt; xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng dự án chợ nông thôn, đặc biệt là dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
Trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có khoảng 97% chợ đạt hiệu quả. Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm 35 - 40%, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa...
 
Theo congthuong.vn

Quảng cáo