Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
EU - Thị trường lớn cho xuất khẩu rau quả Việt Nam
Hiện xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD và EU là một trong những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU, ngành rau quả Việt Nam cần chú ý đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và phải nâng cao chất lượng các sản phẩm hơn nữa.
 

EU - Thị trường lớn cho xuất khẩu rau quả Việt Nam

Hiện xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD và EU là một trong những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU, ngành rau quả Việt Nam cần chú ý đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và phải nâng cao chất lượng các sản phẩm hơn nữa.
 
EU - thị trường lớn với nhiều yêu cầu khắt khe

Thông tin tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU” do dự án EU - MUTRAP phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức ngày 9/10, ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: Vài năm trở lại đây, rau quả xuất khẩu của Việt Nam liên tục thâm nhập sang thị trường các nước và hiện đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu cũng không ngừng tăng lên, nếu như năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015 thì chỉ trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch đã ở mức 2,6 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian tới tỷ trọng xuất khẩu rau quả còn tăng cao. Ngoài những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Úc, Chilê, Nhật Bản, Hàn Quốc,… rau quả Việt đang tìm đường phát triển thị trường EU bởi thị trường này được đánh giá khá tiềm năng.

Mặc dù được đánh giá là thị trường rộng lớn hứa hẹn nhiều tiềm năng cho rau quả Việt, song vấn đề an toàn thực phẩm của thị trường này đòi hỏi khá khắt khe. Ông Rugguero Malossi, chuyên gia quốc tế, Dự án EU-MUTRAP - khẳng định: “Nói thị trường nhập khẩu EU dễ hơn thị trường khác theo tôi là không đúng. Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng luôn được chú trọng. Không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra hàng hóa khó "có cửa" vào thị trường EU.

Ông Rugguero Malossi đưa ra dẫn chứng: Khi một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng thì không sản phẩm nào được có dư lượng thuốc đó. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thực phẩm và tránh thiệt hại về môi trường, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất do đó sản phẩm nhập khẩu phải chịu một sự kiểm soát chính thức…

“Trong trường hợp tái phạm, các sản phẩm cụ thể có nguồn gốc từ các quốc gia cụ thể EU quyết định tiến hành kiểm soát ở mức độ cao hơn hoặc đưa ra các biện pháp khẩn cấp. Kiểm soát có thể thực hiện ở tất cả các giai đoạn nhập khẩu và tiếp thị tại EU”, ông Rugguero Malossi nhấn mạnh.

Các chuyên gia của dự án EU - MUTRAP cho biết thêm, các chất lây nhiễm là những chất không được cố ý thêm vào thức ăn nhưng có thể có mặt do các giai đoạn khác nhau trong sản xuất, đóng gói, vận chuyển hoặc lưu giữ. Để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực phẩm và rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, EU thiết lập giới hạn đối với một số chất lây nhiễm. Đặc biệt, giới hạn nitrat trong rau dền, rau diếp và các kim loại liên quan đến rau quả tươi.

Duy trì, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu

Để xuất khẩu vào EU, ông Nguyễn Hữu Đạt khuyến cáo: Đối với nhóm rau gia vị, DN cần duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói như hiện nay; Cải tiến theo quy trình nhà lưới và quy trình canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn. Đối với nhóm rau củ và rau quả tươi cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà xuất khẩu với người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh ATTP của EU; Cần thiết phải triển khai hệ thống truy nguyên liệu xuất khẩu và vùng sản xuất phải đạt chuẩn VietGAP…
 
Theo ông Rugguero Malossi, các DN xuất khẩu Việt Nam nên đảm bảo việc ghi nhãn và đóng gói có tất cả các thông tin bắt buộc được đề cập nhưng cũng nên nghĩ đến các thông tin hữu ích khác như logo của nhà nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận. Đối với rau quả đóng gói cho người tiêu dùng, DN phải đọc đầy đủ quy định về ghi nhãn thực phẩm trên EU Export Helpdesk để thực hiện chính xác. Đặc biệt, rau quả xuất khẩu vào EU phải tránh hết các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật ở EU. Trong trường hợp cần có giấy chứng nhận kiểm dịch để được nhập khẩu vào EU, DN nên nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận này tại Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) và hỏi nhà nhập khẩu EU về các quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, GlobalGap hiện là tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU vì thế DN Việt phải đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này. Đồng thời nên từng bước phát triển sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.

Ông Đàm Quốc Trụ, Chuyên gia tư vấn trong nước, Dự án EU-MUTRAP - đề xuất, muốn gia tăng xuất khẩu vào EU, về phía nhà nước nên bố trí kinh phí, đầu tư nguồn lực giúp cho việc đàm phán với các nước thống nhất về biện pháp kiểm dịch cho đồng nhất. Ngoài ra nên có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật, công nghệ sau bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Có chính sách hỗ trợ, phát triển DN sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nông sản quốc tế. 

Theo báo điện tử Công Thương

Quảng cáo