Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Khó chống xâm phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử

Hoạt động chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm, khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm, giá trị hàng hóa. Đó là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra tại tọa đàm thực thi quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử diễn ra chiều 26/4 tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Phát biểu tại tọa đàm ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc sản xuất sản phẩm thông minh trong công nghệ hiện đại với sự đóng góp không nhỏ của công nghệ vào hoạt động SHTT và những lợi ích mà thương mại điện tử đã mang lại thuận lợi lớn trong kinh doanh, tuy nhiên cũng mang lại không ít thách thức đối với việc bảo hộ quyền SHTT và bảo hộ sản phẩm. Do đó, cần nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo hộ quyền SHTT nói chung và trong môi trường thương mại điện tử nói riêng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thương mại điện tử, bên cạnh thị trường truyền thống, các hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử. Những lợi ích thu được từ việc chuyển đổi mô hình này rất lớn, có sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh và ngày càng thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Bên cạnh những lợi ích không thế phủ nhận của thương mại điện tử, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền SHTT. 

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học công nghệ, DN chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền SHTT trong môi trường thương mại điện tử. Xâm phạm quyền SHTT ở môi trường hữu hình vô vàn khó khăn thì trong môi trường điện tử thì càng khó khăn hơn gấp bội. Bởi trong môi trường thương mại điện tử rất khó thu thập chứng cứ, khó xác định hàng hóa, yếu tố, đối tượng xâm phạm và nó không chỉ liên quan đến một cơ quan mà nó liên quan đến rất nhiều cơ quan. 

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam lên tới 4 tỷ USD. Do đặc quyền tác giả và phạm vi gần như vô hạn của internet, kèm theo đó là sự phát triển của thương mại điện tử, do đó, vi phạm trực tuyến trở thành một thách thức lớn kéo theo hoạt động chiếm đoạt trở nên phổ biến. Vì vậy, vấn đề thương mại điện tử gắn liên với SHTT cần thiết phải thiết lập quy trình để quản lí.

Lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam, tuy nhiên, lĩnh vực này tồn tại nhiều bất cập bởi chúng ta còn thiếu cán bộ có trình độ cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lực lượng chức nắng, cơ sở pháp lí chưa hoàn thiện cũng gây nên nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, các đơn vị chức năng cần có những khóa tập huấn về thương mại điện tử, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong việc phòng, chống xâm phạm quyền SHTT.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Theo Baohaiquan.vn

Quảng cáo