Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Xuất khẩu hàng dệt may: Lạc quan trong thách thức

Các thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam cho thấy những dấu hiệu lạc quan trong năm 2018. Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức đón chờ ở phía trước…

Là một trong những ngành thâm dụng lao động, ngành dệt may gặp nhiều thách thức liên quan đến thực thi các chính sách về lao động, bảo hiểm, tiền lương... mà những chính sách này thường lại không được giữ ổn định một cách lâu dài. Ảnh: Quốc Hùng

Nhiều đơn hàng xuất khẩu

Thông thường, quí 1 hàng năm không phải là mùa cao điểm cho hàng dệt may gia công và xuất khẩu. Nhưng ở quí 1 năm nay, công nhân của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon) luôn phải tranh thủ làm thêm giờ mới kịp giao hàng cho khách. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT của Garmex Saigon, cho biết doanh thu quí đầu năm của công ty tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái; số đơn hàng đã ký kết có thể đảm bảo cho nhà máy hoạt động liên tục đến hết quí 3. Ông bày tỏ sự lạc quan về các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Tương tự, Công ty May Sài Gòn 3 đang thực hiện các đơn hàng xuất khẩu cho đến hết quí 2. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT, cho biết các khách hàng ở thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cũng đã thống nhất là sẽ có đơn hàng ổn định để công ty thực hiện cho cả năm nay. Ông Hồng dự báo đơn hàng năm 2018 của công ty có khả năng tăng 15-20% so với mức thực hiện của năm ngoái.

Không riêng hai doanh nghiệp nêu trên mà nhiều doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhất là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, đã nhận được nhiều đơn hàng thực hiện cho đến hết quí 3, thậm chí cho cả năm 2018. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng đại diện Vitas tại TPHCM, cho biết trong quí 1-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước ước đạt 7,62 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 11,9% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng mặt hàng may mặc đạt 5,98 tỉ đô la, tăng 12,49%, là mức tăng khá so với mức 9,7% của cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, theo bà Mai, ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì thời gian gần đây, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may… “Đây là khởi đầu tốt giúp ngành dệt may thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 34-34,5 tỉ đô la trong năm nay, tăng khoảng 10% so với kết quả năm 2017”, bà Mai chia sẻ.

Không chỉ các thị trường truyền thống

Theo Vitas, ngành dệt may Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp chủ yếu làm hàng xuất khẩu với bốn thị trường lớn là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo cho thấy các thị trường truyền thống này vẫn trên đà tăng nhập khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất (chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam) trong quí 1-2018 ước đạt 25,29 tỉ đô la, tăng 4,15% so với cùng kỳ 2017 (quí 1-2017 giảm 3,89% so với cùng kỳ 2016). Trong đó, nhập từ Việt Nam khoảng 3,136 tỉ đô la, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, theo các doanh nghiệp, việc Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc thời gian gần đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018. Nếu như hàng từ Trung Quốc bị Mỹ đưa vào “tầm ngắm” thì các nước đang trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi, trong đó Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế khi đã chọn hướng khai thác sâu phân khúc sản phẩm giá trị cao.

Còn đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, những số liệu gần đây cho thấy đồng euro tăng giá, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp… Theo Vitas, thị trường EU trong quí đầu năm nay nhập khẩu khoảng 1,125 tỉ đô la giá trị hàng may mặc Việt Nam, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường Hàn Quốc, quí vừa rồi đã nhập gần 900 triệu đô la Mỹ hàng may mặc của Việt Nam, tăng 22,31% so với cùng kỳ. Nhật Bản tuy vẫn duy trì kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may từ các nơi trên thế giới tương đương cùng kỳ năm ngoái (đạt 8,59 tỉ đô la) nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng đến 26,57%, đạt khoảng 958 triệu đô la.

Ngoài bốn thị trường truyền thống kể trên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào một số thị trường mới. Như thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ xuất được trên 2 tỉ đô la trong năm nay; thị trường Nga khoảng 500 triệu đô la...

Bên cạnh đó, việc Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn lấp dần nguồn cung nguyên phụ liệu đang thiếu hụt. Theo Vitas và nhiều doanh nghiệp trong ngành, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào những thị trường phi truyền thống như Canada và Úc. Nếu Việt Nam cố gắng chuẩn bị tốt năng lực sản xuất, và ngay từ bây giờ xúc tiến kết nối với khách hàng để cùng tìm ra các giải pháp đáp ứng những yêu cầu về xuất xứ của CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi hiệp định này có hiệu lực.

Sự thay đổi hàng năm của một số chính sách không chỉ gây ra áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp mà còn khiến họ khó đưa ra những dự báo cần thiết.

Còn đó những thách thức

Mặc dù vậy, ngành may mặc xuất khẩu vẫn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lao động. Là một trong những ngành thâm dụng lao động, ngành dệt may gặp nhiều thách thức liên quan đến thực thi các chính sách về lao động, bảo hiểm, tiền lương… mà những chính sách này thường lại không được giữ ổn định một cách lâu dài. Sự thay đổi hàng năm của một số chính sách không chỉ gây ra áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp mà còn khiến họ khó đưa ra những dự báo cần thiết.

Theo Vitas, sự cạnh tranh về mức lương trả cho lao động giữa các doanh nghiệp cũng đang là một vấn đề lớn. Các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng ngành có điều kiện trả lương cao hơn tạo ra nguy cơ bất ổn về lao động cho doanh nghiệp trong nước (người lao động có khuynh hướng nhảy việc). Đó là chưa kể sự cạnh tranh lao động giữa doanh nghiệp dệt may với doanh nghiệp các ngành nghề khác. Sự biến động lao động thường xuyên cũng làm cho doanh nghiệp phải liên tục tổ chức đào tạo lại cho người lao động mới, một phần việc cũng “đau đầu” không kém!

Vẫn còn đó nhiều khó khăn mà ngành dệt may đã, đang và còn phải tiếp tục đối mặt, như làn sóng dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam tạo nên những áp lực cạnh tranh rất lớn; các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành vẫn chậm chạp; chi phí sản xuất vẫn cao do phí vận tải, phí logistics, phí hải quan, phí kiểm tra… đều cao.

Ngoài ra, trong ba năm gần đây, tỷ giá của đồng tiền Việt Nam được giữ ổn định trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may khác có xu hướng giảm giá đồng tiền của họ để kích thích xuất khẩu, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Và điều quan trọng nhất trong định hướng phát triển hàng xuất khẩu của Việt Nam, đó là những mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao cùng với mức giá bán tương xứng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư công nghệ, thiết bị, trong khi vốn đầu tư vẫn luôn là nỗi ám ảnh của không ít doanh nghiệp.

Quảng cáo