Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Xúc tiến xuất khẩu hướng đến trọng điểm ngành hàng
Công tác xúc tiến xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chủ lực, cùng định hướng xúc tiến xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.

“Xu hướng bảo hộ gia tăng tại các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn và truyền thống của Việt Nam, trong khi sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường quốc tế, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm... đang là những thách thức cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”.

Nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 24/4, tại Hà Nội.

Khó xuất khẩu vì thiếu nhiều thứ

Tại diễn đàn, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, xúc tiến xuất khẩu nếu cứ tập trung vào sản phẩm lúa, cá, tôm... đang chiếm đến 70% sản lượng xuất khẩu của Cần Thơ sẽ rất khó phát triển. Trong khi đó, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản hiện nay, yếu tố giá quyết định rất lớn.

 
Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại là vấn đề cần được quan tâm và đầu tư. Tại Cần Thơ, hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay mới chỉ chiếm 0,016% kinh phí xúc tiến thương mại của của tỉnh, nếu không có sự chia sẻ trong hoạt động này sẽ rất khó triển khai.

Ông Nam cũng cho rằng, mặc dù tỉnh muốn hỗ trợ hạ tầng logistics cho thương mại ngoại thương, nhưng hiện nay không có cơ chế nào để thực hiện điều này. Trong khi điều mà Cần Thơ đang rất cần là quy hoạch trung tâm logistics vùng.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hàng hóa xuất khẩu phải được đi thẳng, chi phí vận chuyển giảm được ít nhất 10 USD/tấn. Hiện nay, Cần Thơ đang tắc về logistics, khi Chính phủ cho biết đã quy hoạch cảng của tỉnh, nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa triển khai được. Nên xây dựng trung tâm logistics của cả vùng ĐBSCL chứ không phải chỉ riêng Cần Thơ”, ông Nam kiến nghị.

Một vấn đề khác cũng được ông Nam quan tâm đó chính là giá trị thương hiệu. Trong đó, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm xuất khẩu của Cần Thơ hiện chưa làm được bởi năng lực nhỏ bé.

“Hiện nay ở châu Âu chỉ có 3 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được công nhận là nước mắm Phú Quốc, hạt tiêu và hạt điều Bình Thuận. Trong khi Cần Thơ nổi tiếng với sản phẩm gạo vẫn loay hoay chưa làm được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này”, ông Nam băn khoăn.

Tập trung xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực

Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước. Bên cạnh đó dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, công tác xúc tiến xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chủ lực, cùng định hướng xúc tiến xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Theo ông Hải, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại.

“Cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, xử lý nhanh nhạy, thông tin kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp các vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết. Tăng cường cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong nước”, ông Hải nói.

Đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, ông Hải cho rằng, cần kiểm soát nguồn cung xuất khẩu nông sản, thủy sản, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng kiểm soát, điều tiết được lượng cung từng chủng loại sản phẩm, sản xuất gắn với tín hiệu thị trường.

“Để nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định hợp lý của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm Bộ NN&PTNT cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các quy định của nước nhập khẩu, tập huấn nâng cao nhận thức cho các hộ nông dân về các mô hình thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP, VietGAP…), cách sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định”, ông Hải lưu ý.

Ông Hải cũng cho biết, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật; phát huy cơ chế cảnh báo sớm cho doanh nghiệp để phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; thường xuyên theo dõi, cung cấp thông tin về thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Riêng đối với biện pháp với các rào cản kỹ thuật, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện bị áp các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại, có rủi ro tôm sẽ bị kiểm soát như cá tra. Nghiên cứu việc liên kết với Ecuador, Ấn Độ trong đấu tranh cho vấn đề này./.

Quảng cáo