* Thu hút FDI, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư
Cuối năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm (1987- 2018) “đón” vốn FDI, tính đến tháng 4/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 25.524 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đánh giá về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thu hút FDI 30 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thu hút FDI là tạo thêm nguồn lực thông qua việc mở ra một kênh đầu tư mới cho phát triển. Khu vực FDI hiện nay đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư cho xã hội và 20% GDP của cả nước.
Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào những ngành công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, khoảng 58% tổng vốn FDI được đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, giúp Việt Nam nâng cao giá trị và tạo ra sự chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế theo hướng tích cực hơn và cạnh tranh hơn; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Năm 2017, khu vực FDI chiếm tới 72% tổng giá trị xuất khẩu; đồng thời, còn tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế, góp phần ổn định tình hình xã hội. Khu vực FDI tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp…
Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ở cấp quốc gia, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, rất nhiều địa phương thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc nhờ đóng góp của khu vực FDI. Cụ thể, ở phía Bắc có tỉnh Vĩnh Phúc, thu ngân sách từ 100 tỷ đồng vào năm 1997 đã tăng lên 32.000 tỷ đồng năm 2016.
Thành công đó có được nhờ vào sự đóng góp tích cực của khu vực FDI. Ở phía Nam, có tỉnh Bình Dương, 75% giá trị sản xuất công nghiệp và 85% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khu vực doanh nghiệp FDI. FDI đã đưa Bình Dương trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện dòng vốn FDI đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 44,7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ 2 với 30,7 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư và Đồng Nai với 27,34 tỷ USD, chiếm 8,6%; Hà Nội đứng thứ 3 với 27,7 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh những giá trị nhìn thấy được, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, có rất nhiều những giá trị lớn hơn mà khu vực doanh nghiệp FDI mang lại mà chúng ta không nhìn thấy đươc.
Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, có rất nhiều lao động, sau một thời gian làm việc cho các doanh nghiệp FDI, học hỏi được kinh nghiệm, kỹ năng quản lý sau đó đã tách ra thành lập công ty riêng, những doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng với đó, nhờ có thu hút FDI, rất nhiều các thương hiệu, tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam đã xuất hiện tại Việt Nam. Điển hình như: Samsung, Toyota, Honda, Canon, P&G,… sản phẩm của các thương hiệu này sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
* Cần có chiến lược mới để thu hút FDI
Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế là không thể phủ nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, rất nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với mục đích tận dụng nguồn lao động giá rẻ, sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, có không ít các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam vướng vào nghi án chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đặc biệt, theo GS- TSKH Nguyễn Mại, nhiều dự án FDI chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế.
Đặc biệt, thu hút FDI đạt trên 320 tỷ USD, song tính đến nay vốn FDI thực hiện mới chỉ đạt khoảng 170 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng vốn FDI đăng ký. Năm 2017, Việt Nam thu hút FDI đạt 35,88 tỷ USD, song vốn thực hiện chỉ đạt 17,5 tỷ USD. Mặc dù, được đánh giá có tổng vốn FDI giải ngân cao nhất từ trước đến nay, song mới chỉ chiếm khoảng 50% tổng vốn FDI đăng ký.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn FDI giải ngân còn thấp so với vốn đăng ký, nguyên nhân bởi thu hút FDI thời gian qua thiếu sự chọn lọc và tập trung nhiều vào số lượng và chưa quan tâm đến chất lượng dự án. Nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để giữ đất và không có khả năng triển khai dự án.
Đặc biệt, rất nhiều địa phương, vì muốn thu hút được dự án FDI bằng mọi giá nên đã đưa ra những chính sách ưu đãi “vượt khung”, nhằm “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư FDI mà không quan tâm đến chất lượng của dự án.
Tuy nhiên, để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tồn tại của dòng vốn FDI, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thu hút FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới đây cần có sự thay đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có công nghệ hiện đại và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế, đến khu vực doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng dự thảo Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018- 2023 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Với Chiến lược này, các chuyên gia kinh tế WB cho rằng, thay vì thu hút FDI nhờ vào các chính sách ưu đãi, các lợi thế về nhân công giá rẻ, thời gian tới, thay vì dựa vào những lợi thế này, để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam nên thu hút FDI dựa trên nền tảng công nghệ, kỹ năng lao động và chuỗi sản xuất.
Để FDI đóng góp nhiều hơn vào khu vực kinh tế trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh thay đổi chính sách thu hút FDI, Chính phủ cũng cần đưa ra những cơ chế đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam nhằm thu hút được những dự án FDI có công nghệ tốt, hạn chế những dự án đầu tư với mục đích lợi dụng nhân công giá rẻ, tận dụng những chính sách ưu đãi vượt trội, hay đầu tư vào để giữ đất.
Đặc biệt, để tăng sức lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế trong nước, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu họ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, thay vì cam kết tỷ lệ nội địa hóa 10% như đa số các nhà đầu tư hiện nay. Có như vậy, FDI mới tạo được sức lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước./.