Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
ASEAN ưu tiên kinh tế kỹ thuật số
Thời gian gần đây, xu hướng số hóa đã trở thành chiến lược của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Không nằm ngoài xu hướng đó, khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có những bước đi mạnh mẽ để nắm lấy cơ hội đổi mới kinh tế theo hướng hiện đại và năng động hơn.

Thị trường quan trọng
Nhận định về tiềm năng phát triển nền kinh tế kỹ thuật số tại ASEAN, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Singapore S Iswaran cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN có tiềm năng lên tới 200 tỷ USD vào năm 2025. Khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) về Triển vọng ASEAN 2017-2018 cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều khẳng định ASEAN là thị trường quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh tổng thể của họ trong năm 2018-2019, trong đó Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar là những thị trường các doanh nghiệp ưu tiên mở rộng từ năm 2018-2020. Theo ông S Iswaran, các nước thành viên ASEAN cần tăng cường kết nối kỹ thuật số khu vực để có thể tận dụng cơ hội ngày càng tăng trong một môi trường đổi mới và số hóa toàn cầu, cũng như đáp ứng những thách thức trong tương lai. 
Báo cáo nền kinh tế số ASEAN cho thấy khu vực này sở hữu đến hơn 330 triệu người dùng internet năm 2017, tăng mạnh từ 70 triệu năm 2015. Trong đó, số người lên mạng trên điện thoại di động đến 3,6 giờ mỗi ngày, cao hơn các quốc gia khác. Thêm vào đó, trung bình người dùng internet tại ASEAN dành đến 140 phút mỗi tháng để mua sắm trên mạng, cao gấp đôi so với thị trường thương mại điện tử Hoa Kỳ, khiến giá trị thị trường thương mại điện tử của khu vực được dự báo lên đến 88,1 tỷ USD vào năm 2025.
Ông S Iswaran nhấn mạnh ASEAN trước tiên phải giải quyết những thách thức do nền kinh tế kỹ thuật số đặt ra, đồng thời các chính phủ phải bắt kịp với kinh tế kỹ thuật số và giải quyết những vấn đề hạn chế khả năng của các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có chính sách liên quan đến luồng dữ liệu và nội địa hóa, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và hỗ trợ thương mại kỹ thuật số.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore đang làm việc với các nước thành viên về các sáng kiến cụ thể, như Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy các quy tắc thương mại trong thương mại điện tử vốn đang là rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp để xây dựng kết nối kỹ thuật số lớn hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại điện tử trong khu vực; cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp tiềm năng, khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. 
Theo giới chuyên gia kinh tế, hiện có 3 lĩnh vực là cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia mạnh vào nền kinh tế kỹ thuật số. Thứ nhất, phát triển các liên kết giữa thương mại-người tiêu dùng (B2C) thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đây được coi là trụ cột phát triển nhanh nhất của nền kinh tế internet. Thứ hai, dịch vụ hỗ trợ bao gồm thanh toán, bảo hiểm, phát hiện gian lận, dịch vụ khách hàng... Thứ ba, cơ sở hạ tầng gồm cơ sở dữ liệu và các trung tâm thương mại điện tử.
“ASEAN nên áp dụng kinh nghiệm này để tiếp tục chọn hướng đi đúng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư 4.0. Để nắm lấy lợi thế cạnh tranh của mình, ASEAN phải phát triển một chiến lược kỹ thuật số mạnh mẽ. Trước hết, khu vực ASEAN cần công nhận công nghệ kỹ thuật số là một công cụ phát triển quan trọng. Như Trung Quốc và Ấn Độ đã sử dụng các chính sách ưu tiên kỹ thuật số, phát triển vượt ASEAN. Các thành phố như Bangalore và Bắc Kinh đang dần trở thành nơi hội tụ của sự phát triển và các tài năng trong lĩnh vực công nghệ ở châu Á” - Bộ trưởng S Iswaran khẳng định.

Tăng đầu tư cơ sở hạ tầng
Song song với việc tăng tốc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, ASEAN còn chú trọng đến cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat, những cơ hội phát triển này sẽ đến khi các quốc gia thành viên cam kết triển khai mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đồng thời với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở khu vực. Ông Heng Swee Keat dẫn chứng số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy nhu cầu đầu tư cơ sở của ASEAN sẽ lên tới khoảng 2.800 tỷ USD từ nay đến năm 2030, tương đương 184 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, hiện phần lớn trách nhiệm về chi phí cơ sở hạ tầng vẫn đang đè nặng lên vai các chính phủ. 
 Singapore đã đề xuất 3 phương thức khai thác thị trường vốn tư nhân để tài trợ cơ sở hạ tầng, bao gồm: Cải thiện tính minh bạch, nâng cao khả năng thanh toán và tăng cường hệ thống dữ liệu về các cơ hội và dự án đầu tư trong khu vực. Theo Bộ trưởng Heng Swee Keat, nhận thức rõ hơn về cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực là chìa khóa mở rộng sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này. Bộ trưởng Heng Swee Keat cho biết hiện Singapore đã thành lập Văn phòng Cơ sở hạ tầng châu Á nhằm phát hành trái phiếu để tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như phát triển thị trường trái phiếu dài hạn trong khu vực ASEAN. Mặt khác, văn phòng này cũng hỗ trợ xây dựng các tiêu chí cơ sở hạ tầng của ASEAN và thúc đẩy việc đưa các dự án của khu vực vào hệ thống tiêu chuẩn và chỉ số toàn cầu... 
Cùng chia sẻ quan điểm này, giới chức phụ trách tài chính ASEAN cũng cho rằng việc nỗ lực huy động nguồn lực tư nhân, bên cạnh đầu tư công và các khoản tài trợ của nước ngoài, vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu là vô cùng quan trọng. Các bộ trưởng nhấn mạnh cần phải thiết lập một khuôn khổ pháp lý thuận lợi, chính sách rõ ràng và đồng nhất, cam kết lâu dài để các nhà đầu tư tư nhân yên tâm bỏ vốn vào các công trình hạ tầng. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể đóng vai trò bảo lãnh hoặc đồng tài trợ để các doanh nghiệp tư nhân chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư. Bên cạnh huy động vốn, các định chế tài chính lớn như WB hay ADB cũng cần chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao năng lực cho các cơ quan và doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định và triển khai nhằm đảm bảo việc xây dựng dự án tốt và phân bổ rủi ro thích hợp. 
 ASEAN nên tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số như một cộng đồng, thay vì tiếp cận theo hướng riêng rẽ của 10 quốc gia trong khu vực. Nếu thị trường công nghệ của ASEAN chia ra từng mảnh nhỏ rời rạc, nó sẽ không thể cạnh tranh với các đối thủ lớn. Một ASEAN gắn bó với nhau hơn nhờ công nghệ sẽ tốt hơn cho tất cả các nước Đông Nam Á, qua việc cải thiện quyền tiếp cận đối với các khách hàng lớn hơn, công nghệ và hệ sinh thái trong khu vực của các doanh nghiệp địa phương ở từng quốc gia.

Quảng cáo