Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Bảo tồn làng nghề gốm Gia Thủy góp phần phát triển kinh tế nông thôn

Làng nghề gốm truyền thống Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan) có tuổi đời hơn 50 năm. Đến nay, làng nghề gốm Gia Thủy không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Bảo tồn làng nghề gốm Gia Thủy góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Làng nghề gốm truyền thống Gia Thủy (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan) có tuổi đời hơn 50 năm. Đến nay, làng nghề gốm Gia Thủy không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Gốm Gia Thủy được tỉnh Ninh Bình công nhận là làng nghề truyền thống năm 2007. Sản phẩm gốm Gia Thủy được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt khách hàng của các nước như Nhật Bản, Hà Lan cũng rất ưa chuộng hàng gốm và ký kết hợp đồng lâu dài với hợp tác xã. 
 
Một số sản phẩm ưa chuộng như bình rượu, chum, vại được sản xuất cách điệu và có hoa văn, phong cảnh làng quê Việt Nam tạo nên nét riêng, cho gốm Gia Thủy. Hiện nay sản phẩm gốm của Gia Thủy sản xuất chủ yếu cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn, phục vụ trong các nhà hàng… thông qua các hợp đồng, đại lý và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Nhằm phát triển làng gốm, UBND xã Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000 m2 để quy hoạch khu sản xuất gốm tập trung và 9.800m2 khu nguyên liệu để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề. Đến nay, làng nghề có 6 nghệ nhân được công nhận và có gần 30 hộ làm nghề và kinh doanh gốm. 

Mỗi năm, làng nghề sản xuất và bán ra thị trường trên 40.000 sản phẩm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên những năm gần đây, sự khó khăn về vốn sản xuất mặt bằng và sự cạnh tranh của các sản phẩm nhựa đang là những nguyên nhân làm cho làng gốm đứng trước nguy cơ bị mai một.

Bà Vũ Thị Xuyến, người có thâm niên làm nghề gốm gần 40 năm cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với nghề gốm Gia Thủy hiện nay là sự cạnh tranh với đồ nhựa bởi các vật dụng bằng nhựa vừa rẻ, vừa tiện lợi, mẫu mã đẹp, nhất là hàng của Trung Quốc tràn lan, nên sản phẩm gốm nhiều khi không còn là sự lựa chọn của người dân như trước đây.

Sản phẩm gốm dường như không còn phù hợp với thị trường như hiện nay nữa, gốm chỉ dùng trong các việc trang trí, nặng tính hình thức chứ ít có tính sử dụng hoặc chỉ để phục vụ cho sinh hoạt của người dân quê.

Chồng bà Xuyến cũng trăn trở: Những năm gần đây, làng gốm vắng tanh, những thợ gốm đa phần kiếm sống bằng nghề khác. Có những người thợ trước đây làm gốm, nhưng vì thu nhập thấp nên đã bỏ nghề và xin vào các khu công nghiệp để làm. Bởi nghề gốm vừa cực khổ, lam lũ, lại thu nhập bấp bênh, không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Để phát triển làng nghề gốm Gia Thủy còn rất nhiều khó khăn cần có sự quan tâm tạo điều kiện của nhà nước. Trước mắt cần có cơ chế hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề và đặc biệt là phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Bản thân làng nghề, các cơ sở sản xuất cũng cần nỗ lực thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu của thị trường và phương thức quản trị để có thể tồn tại trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế.

                                                                                                                                        Báo Ninh Bình

Quảng cáo