Chứng nhận tiêu chuẩn Halal giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Thực phẩm và các sản phẩm đạt chứng nhận Halal có ý nghĩa rất đặc biệt cho việc các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm, kinh doanh tại các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có công dân theo đạo Hồi.
Đây cũng là khuyến nghị của các ngành chức năng, DN tại hội thảo “Những quy chuẩn cần thiết để được chứng nhận tiêu chuẩn Halal giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 17/9.
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC - cho biết, gần 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm tỷ lệ khoảng 23% dân số thế giới. Dân số cộng đồng Hồi giáo toàn cầu sẽ tăng, dự báo đến 27% vào năm 2050 với khả năng tiêu thụ sản phẩm Halal vào khoảng 15 nghìn tỷ USD. Dân số theo đạo Hồi chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Brunei, Ả Rập, UAE và các nước Trung Đông, nhưng chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal. Có thể thấy, dư địa của ngành công nghiệp Halal là còn rất lớn. DN Việt Nam cần chú trọng khai thác khoảng trống thị trường này, vì đây là chìa khoá để mở cánh cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có công dân theo đạo Hồi, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở ra những cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho các DN Việt Nam.
Ông Ramlan Osman - Giám đốc kinh doanh Việt Nam Halal Center - cho hay, ngành công nghiệp liên quan đến Halal không chỉ là có thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn, mà còn có các nguyên vật liệu để chế biến; mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sức khỏe; dịch vụ hậu cần; dịch vụ nhà hàng, khách sạn… theo tiêu chuẩn phục vụ người Hồi giáo, thị trường Halal.
Theo ông Ramlan Osman, nên phát triển ngành kinh tế Halal tại Việt Nam. Bởi Việt Nam sở hữu dồi dào nguyên vật liệu thô rất tiềm năng cho Halal bao gồm cà phê, gạo, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả… Việt Nam cũng được công nhận là một trong những điểm thu hút khách du lịch quốc tế hàng đầu hiện nay, cho thấy tiềm năng tương lai cho kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ theo tiêu chí Halal phát triển đáng kể.
Hiện nay cung ứng của Việt Nam về sản phẩm tiềm năng cho Halal khoảng trên 10,5 tỷ USD/năm. 20 sản phẩm xuất khẩu tiềm năng Halal hàng đầu Việt Nam tập trung vào các mặt hàng như cà phê xanh, gạo, hạt điều, tiêu, trái cây tươi, sản phẩm từ cà phê, thực phẩm chế biến, cà phê rang, sắn khô, các loại hạt, trái cây chế biến, bánh ngọt, trà, các loại bánh kẹo, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn, bột mì và nước trái cây...
Các DN cũng cần ý thức chứng nhận Halal có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vì nó không chỉ đạt những yêu cầu về mặt tôn giáo mà còn tuân thủ theo các quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Người theo đạo Hồi chỉ sử dụng những sản phẩm đạt chứng nhận Halal.
Nhằm hỗ trợ DN nắm được các quy chuẩn cần thiết để được chứng nhận tiêu chuẩn Halal, ông Hòa cho biết thêm, ITPC sẽ hỗ trợ các DN sản xuất và xuất khẩu thực hiện các thủ tục cần thiết để đạt được chứng nhận Halal. Từ phía các DN phải chuẩn bị hồ sơ để thực hiện đánh giá, giới thiệu về DN, giấy phép sản xuất kinh doanh, quy trình sơ đồ sản xuất, các kết quả thí nghiệm của sản phẩm chứng nhận, các chứng chỉ khác như ISO, HACCP, GMP, GAP (nếu có)... Các DN cũng cần lưu ý, sau khi được chứng nhận sẽ có giám sát định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc có thể kiểm tra đột xuất. Nếu DN vi phạm những tiêu chuẩn Halal có thể bị thu hồi giấy chứng nhận. Khi giấy chứng nhận hết hạn DN phải xin cấp hiệu lực mới, gia hạn chứng nhận... trước khi hết hạn 1 tháng.
Theo congthuong.vn
Các tin khác
Quảng cáo