Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam
Dự kiến, hôm nay (22/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì “Diễn đàn ngành Công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm: Giải pháp bứt phá năm 2019…”.

Hôm qua (21/2), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) đã công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Báo cáo là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends.
Theo nhận định của Vietfores, năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Thành công này thể hiện trên nhiều phương diện, bao gồm tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu, ban hành và thực thi một số cơ chế chính sách mới như việc ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện FLEGT VPA với EU, các hội thảo, hội nghị thảo luận về chiến lược phát triển ngành. 
Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỷ USD) so với kim ngạch năm 2017. Ba nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất bao gồm viên nén, dăm gỗ và gỗ dán/gỗ ghép. Năm 2018, giá trị xuất khẩu viên nén tăng gần 2 lần, dăm gỗ tăng 1,2 lần, gỗ dán/gỗ ghép tăng 1,7 lần. Kim ngạch của 3 nhóm mặt hàng này năm 2018 cao hơn 741,9 triệu USD so với kim ngạch của năm 2017, chiếm 69% con số tăng trưởng trong xuất khẩu của tất cả các mặt hàng năm 2018. 
5 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018 bao gồm: Mỹ (kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam, tăng trưởng kim ngạch tại thị trường này đạt 17% so với 2017); Nhật Bản (kim ngạch 1,1 tỷ USD, chiếm 13% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 13% so với 2017); Châu Âu (EU) (kim ngạch 785 triệu USD, chiếm 9% trong tổng kim ngạch, tăng 3% so với năm 2017); Hàn Quốc (gần 938,7 triệu USD, chiếm 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 39% so với 2017); Trung Quốc (khoảng 1 tỷ USD, chiếm 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 1% so với kim ngạch năm 2017). 

Quảng cáo