'Cuộc đua' chuỗi thực phẩm an toàn
Hiện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đang đứng trước lựa chọn: Hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm “sạch”, đảm bảo VSATTP để phát triển bền vững, hoặc không thể tồn tại.
Cả trăm tỷ mua thiết bị
Điển hình như Vissan, đã đầu tư đến 2.600 tỷ đồng xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín. Để có những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, 4 năm qua, hệ thống siêu thị Big C và Co.op mart đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực hàng nông sản, thực phẩm truyền thống.
Trước đó, ngay từ khi mới vào Việt Nam, Metro Cash & Carry cũng đã triển khai dự án "Xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa" với kinh phí khoảng 1 triệu USD. Dự án áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Metro (Metro GAP) đối với một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm nuôi trồng, nâng cao nhận thức của người tiêu dung...
Dây chuyền khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ trị giá hàng trăm tỷ của công ty Ba Huân |
Nhắc đến gia cầm, người ta nghĩ ngay đến trứng Ba Huân. Bà Ba Huân là người đầu tiên nhập về hai dây chuyền xử lý trứng của Moba (Hà Lan), một công ty hàng đầu về thiết bị xử lý trứng, có công suất 65.000 quả/giờ và 120.000 quả/giờ. Từ đây, bà Ba Huân đã làm thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng, vốn xem trứng là thành phẩm, trong khi thực ra đó còn là nguyên liệu.
“Trứng vốn là một thực thể sống, vỏ trứng có các lỗ thông hơi bởi vậy rất dễ thẩm thấu các chất như phân, hóa chất, các chất bẩn do môi trường… Quy trình xử lý công nghệ Hà Lan của Ba Huân bao gồm: 2 lần rửa bằng nước sạch, sấy khô, soi loại bỏ trứng hỏng, vỡ, chiếu tia UV diệt khuẩn 99% rồi phủ lên một lớp dầu bảo vệ trứng. Tiếp đến trứng được in số hiệu để có thể truy xuất nguồn gốc trước khi đóng hộp”, bà Ba Huân cho biết.
Năm 2013, Công ty Ba Huân đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao hiện đại nhất hiện nay rộng 18ha tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 320 tỷ ở giai đoạn I. Năm 2014, Ba Huân tiếp tục xây dựng một NM chế biến thực phẩm tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với quy mô 7ha, tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 60 tỷ đồng, hoàn thiện chuỗi sản xuất thực phẩm sạch “từ trang trại đến bàn ăn”.
Nhà máy thực phẩm gồm hai phân khu giết mổ gia cầm có công suất từ 1.500 đến 2.500 con/giờ, hoàn toàn tự động và khu chế biến thực phẩm công suất từ 5-10 tấn/ngày. Hiện nay ngoài trứng, công ty Ba Huân còn cung cấp thịt gà tươi, xúc xích gà, lạp xưởng gà, chà bông gà, gà viên, bánh flan và một số sản phẩm thức ăn nhanh từ thịt gà.
Cuộc đua 3F
Vài năm trở lại đây, mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" (gọi tắt là 3F. Trong đó, Feed là thức ăn chăn nuôi, Farm là trang trại và Food là thực phẩm trên bàn ăn) dần trở nên quen thuộc.
Thực phẩm sạch của Vissan |
Trong đó, Vissan bắt đầu thực hiện mô hình này năm 2011 bằng việc xây dựng Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. NM được xây dựng khép kín liên hoàn, từ khâu giết mổ, chế biến, đóng gói, đến sản xuất bao bì. Khi hoàn tất, toàn bộ dây chuyền giết mổ và chế biến sản phẩm của Vissan sẽ được chuyển về đây. Doanh thu dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng một năm.
Ngoài ra, Vissan còn hợp tác với một công ty của Hà Lan thiết lập chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc với tổng vốn 3 triệu USD. Năm 2016, doanh thu của Vissan ước đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm trước.
Như trên đã nói, Ba Huân cũng là một trong số ít doanh nghiệp nội đi tiên phong trong chuỗi 3F. Đồng thời, Ba Huân còn là cầu nối liên kết 4 nhà: khoa học, chính quyền, ngân hàng và nông dân để bước vào quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi cho nông dân, xây dựng trang trại, NM sản xuất thức ăn... Các nguồn giống đều đảm bảo chất lượng, đã được công ty thử nghiệm trước khi giao đến tay người nuôi.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, 3F là xu thế tất yếu của thị trường. Nếu không nắm bắt kịp, các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống có nguy cơ tụt hậu. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, để theo đuổi mô hình 3F không hề dễ dàng vì đòi hỏi vốn lớn, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực dồi dào và kỹ thuật cao…
Các tin khác
- Cà phê Việt Nam: Năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD
- Chính phủ ban hành Quy định áp dụng thuế suất thông thường với hàng hóa nhập khẩu
- Bộ Công Thương ban hành Thông tư bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Phấn đấu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD
- Thị trường Chiết Giang (Trung Quốc): Hấp dẫn nhờ nhu cầu 1,1 triệu tấn cao su/năm
Quảng cáo