Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chủ trì Hội nghị.
Cùng tham dự có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cùng đại diện các bộ, ngành và đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Nâng cao nhận thức người dân trong tiêu dùng hàng Việt
Đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động trong năm 2017, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, việc triển khai Cuộc vận động ở các địa phương đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Công tác thông tin, truyền thông, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ủy ban MTTQ các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, ngành chức năng để lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, sau 9 năm phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
“Cuộc vận động tiếp tục góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cũng nhận định công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường; Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư
Trong năm 2018, theo nhận định chung, thị trường sẽ có nhiều thách thức. Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2018 các mặt hàng nhập khẩu có thuế xuất xuống còn 0%-5%.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Việc Việt Nam cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hướng đến một nền kinh tế mở, đây cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia.
Thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt mà là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Taị Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp cụ thể để Cuộc vận động ngày càng thiết thực thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng các sản phẩm nội địa, biểu dương các sản phẩm, đưa ra các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Quang cảnh Hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trong năm 2018, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các hình thức, nội dung cụ thể phù hợp với mỗi đối tượng, địa bàn, cộng đồng dân cư; phát huy trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo để thực hiện Cuộc vận động hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra giám sát, Ban Chỉ đạo cần làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ các địa phương cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng có đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện cuộc vận động…
Để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Triển khai và giám sát thực hiện Đề án "Phát triển thị trường trong nước" gắn với Cuộc vận động; triển khai Đề án "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt".
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân cần tạo điều kiện, tạo động lực, khuyến khích từng doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu, thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng và cạnh tranh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước khi đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.
Đặc biệt phải đưa ra giải pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường nội địa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
- Kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
- Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
- FDI từ Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng
- Bộ Công Thương đánh giá tình hình triển khai các dự án điện trọng điểm
- Đầu tư xây dựng chợ: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia