Tổng giám đốc Bùi Văn Thắng cũng chỉ rõ những khó khăn trong giai đoạn hiện nay đó là: khó khăn về vốn, nguyên liệu đầu vào, việc chảy máu chất xám, thị trường tiêu thụ... Từ những khó khăn này, lãnh đạo Công ty xác định, đối với nguồn vốn sẽ huy động từ các nhà phân phối, các nhà cung cấp để có vốn duy trì sản xuất. Cùng với đó Công ty cũng đã làm việc với các ngân hàng thương mại về tỷ lệ giải ngân đề nghị cho vay với tỷ lệ 10/10 và các ngân hàng cũng đang xem xét.
Tiết giảm chi phí quản lý, chi phí sản xuất cũng là một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay của Công ty. Hiện Đạm Ninh Bình đang phối hợp với Công ty APAVE- Châu á Thái Bình Dương tiếp tục thực hiện hợp đồng về đào tạo, thiết lập cập nhật hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015.
Song song với đó, Công ty luôn tăng cường giám sát, đánh giá tình trạng vận hành của máy móc thiết bị, thường xuyên tổ chức đào tạo, kiểm tra tay nghề của các nhân viên vận hành, tiếp tục thực hiện việc đánh giá hiệu quả công việc theo định kỳ hàng tháng, từ đó có những chế độ, chính sách nhằm động viên, khuyến khích người lao động gắn bó với Công ty.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang phát đi những tín hiệu mới trong vận hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Báo cáo của Công ty nêu rõ: Giá trị sản xuất theo giá thực tế quý II ước đạt 736 tỷ đồng, bằng 234% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 115% kế hoạch quý II/2019; lũy kế 6 tháng năm nay ước đạt 1.506 tỷ đồng, bằng 191% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 63% kế hoạch cả năm 2019. Tổng sản phẩm urê trong 6 tháng đầu năm đạt gần 219,8 nghìn tấn, bằng 177% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 64% kế hoạch cả năm 2019. Tiêu thụ ước đạt 194,8 nghìn tấn, bằng 157% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 56% so với kế hoạch cả năm 2019.
Kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty cũng cho thấy, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.369 tỷ đồng, bằng 171% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 56% kế hoạch năm 2019. Công tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty có xu hướng tăng vượt mức sản lượng và doanh thu so với kế hoạch năm 2019 và cùng kỳ năm 2018. Hiện Công ty có khoảng 30 nhà phân phối, sản phẩm Đạm Ninh Bình đã có mặt ở 64 tỉnh, thành phố. Theo phản ánh từ các nhà phân phối chất lượng của Đạm Ninh Bình đạt tiêu chuẩn, giá cả hợp lý nên được người tiêu dùng đón nhận. Thương hiệu Đạm Ninh Bình được mở rộng, chất lượng sản phẩm ổn định giúp gia tăng uy tín của sản phẩm trên thị trường.
Đối với công tác điều hành sản xuất cơ bản đã bám sát kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, Công ty cũng đã thực hiện tốt công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ dựa trên giờ chạy máy và các khuyến cáo của nhà chế tạo, cũng như kinh nghiệm thực tế sau 6 năm đi vào vận hành. Hệ thống vận hành tương đối ổn định. Số lần dừng máy do sự cố giảm. Các thiết bị dự phòng được sửa chữa bảo dưỡng kịp thời, sẵn sàng phục vụ cho chạy máy.
Để duy trì hoạt động ổn định của Nhà máy, Công ty cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Hiện, tổng số cán bộ, công nhân viên của Công ty là gần 900 người. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị sản xuất bố trí lao động đi 3 ca/ 4 kíp để sẵn sàng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, một số đơn vị do thiếu nhân lực nên phải bố trí đi 2 ca 3 kíp và đi làm tăng cường vào ngày nghỉ để đảm bảo công tác chạy máy được liên tục.
Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc xưởng thành phẩm cho biết: Năm 2009 tôi chuyển công tác từ Đạm Hà Bắc về Đạm Ninh Bình. Từ khi đi vào hoạt động Công ty đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều người đã không đủ kiên trì để gắn bó với Công ty nhưng tôi có kinh nghiệm khi còn làm ở Đạm Hà Bắc nên tôi luôn động viên anh em yên tâm làm việc, tin tưởng vào Công ty, sự khó khăn ở các nhà máy đạm chỉ là tạm thời...
Hiện nay Công ty đã dần đi vào ổn định sản xuất, 6 tháng đầu năm nay công ty sản xuất liên tục, đảm bảo tốt chế độ tiền lương cũng như các chế độ phúc lợi xã hội, chính vì thế phân xưởng thành phẩm có 103 lao động ai cũng phấn khởi, nhiệt tình với công việc.
Trong giai đoạn thiếu lao động cục bộ như hiện nay, Công ty đang bố trí người lao động làm thêm giờ hợp lý để đảm bảo sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu lao động dẫn đến phải ngừng sản xuất... Ngoài ra, Công ty đang triển khai tuyển dụng nhân lực bổ sung cho các vị trí còn thiếu để đảm bảo yêu cầu sản xuất.
Tổng giám đốc Bùi Văn Thắng nêu rõ quyết tâm, trong thời gian tới Công ty sẽ tập trung điều hành toàn bộ dây chuyền vận hành với phụ tải bám sát kế hoạch đề ra. Trong tháng 8, tháng 9 tập trung nhân lực cho công tác sửa chữa, đại tu đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.
Đồng thời lập kế hoạch chi tiết nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu đảm bảo cung ứng đủ theo yêu cầu sản xuất, đảm bảo lượng tồn kho ở mức an toàn tối thiểu và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Tăng cường công tác quản lý chất lượng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đảm bảo việc thực hiện định mức tiêu hao hiệu quả. Trong tình hình tài chính Công ty gặp nhiều khó khăn, các hạng mục sửa chữa cần có sự đánh giá mức độ cấp thiết phải sửa chữa để quyết định sửa chữa theo mức độ ưu tiên.
Đối với công tác thị trường, Công ty cũng xác định tiếp tục triển khai thu thập, nắm bắt thông tin thực tế và dự báo nhu cầu để có các chính sách và giá bán cho từng khu vực vùng miền. Đồng thời, tăng cường triển khai công tác thị trường tại các khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung, nhất là miền Nam. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình xuất bán và tiêu thụ sản phẩm urê Ninh Bình trên thị trường. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm quảng bá thương hiệu Đạm Ninh Bình tới bà con nông dân.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Đạm Ninh Bình cũng thực hiện cơ chế bán hàng phù hợp, duy trì cơ chế chiết khấu khuyến mại để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ tại khu vực phía Nam, hỗ trợ vận chuyển để tận dụng tối đa khả năng tiêu thụ của khu vực miền núi phía Bắc. Quan tâm, cập nhật thông tin, bám sát giá thị trường của các nhà sản xuất urê trong nước như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc... và urê nhập khẩu để đánh giá đúng sự ảnh hưởng, xu hướng biến động về giá, từ đó sớm có chính sách điều chỉnh kịp thời.
Báo Ninh Bình