Nhiều năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội.
Quán triệt Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong 15 năm qua Sở Công Thương Ninh Bình đã tích cực tuyên truyền, thống nhất nhận thức trong quan điểm phát triển kinh tế tập thể, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp – thương mại chung của cả tỉnh để tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong đó có thành phần hợp tác xã cụ thể như: tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 23/1/2003 về việc lập quỹ khuyến công; Nghị quyết số 14/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 về ban hành chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển SXKD hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010; Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006-2010. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 20/5/2019 về Quy chế quản lý kinh phí khuyến công tỉnh Ninh Bình (thay thế Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 01/7/2015) và Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 3/12/2015 về quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 22 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực công thương, trong đó có 16 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 03 HTX thương mại dịch vụ và 02 HTX điện. Năm 2018, tổng số vốn hoạt động của các HTX đạt 24 tỷ đồng, thu hút trên 140 thành viên tham gia. Doanh thu bình quân một hợp tác xã năm 2018 khoảng 4,6 tỷ đồng tăng 2,5 tỷ đồng so với năm 2003, mang lại việc làm cho trên 600 lao động với mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/năm.
Nhìn chung, các Hợp tác xã đã từng bước chuyển đổi và cơ cấu lại tổ bộ máy tổ chức. Nhìn chung kinh tế của các hợp tác xã được củng cố, bộ máy tổ chức gọn nhẹ, quyền làm chủ của xã viên được phát huy. Mô hình tổ chức HTX được sắp xếp lại theo hướng linh hoạt và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của xã viên và hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư, đổi mới thiết bị đã nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ xã viên không ngừng phát triển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và đảm bảo ổn định đời sống cho xã viên và người lao động.
Những năm gần đây, tỉnh luôn quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, THT; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX; thường xuyên hỗ trợ và tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ triển lãm thương mại do các bộ, ngành và địa phương tổ chức; hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của các HTX tới người tiêu dùng; tư vấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền luật và các chủ trương chính sách mới về hợp tác xã, tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các HTX lập website quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tạo điều kiện cho các HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị nâng cao năng lực sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 ước đạt 2.115 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế tập thể còn gặp khá nhiều khó khăn như điều kiện cơ sở vật chất, trình độ công nghệ còn thấp, phần lớn các hợp tác xã đều thiếu vốn, chưa có trụ sở làm việc, trình độ lao động thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh đơn điệu, chậm khắc phục khó khăn; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh; năng lực quản lý và trình độ, năng lực của cán bộ HTX còn hạn chế; một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như thêu ren, chế biến cói chưa xây dựng được thương hiệu, năng lực xúc tiến thương mại thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp.
Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, Sở Công Thương đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thống nhất các giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể tiếp tục phát triển gắn với thực hiện mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra. Thứ hai là đẩy mạnh hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, nông thôn mới... để giúp các hợp tác xã trong công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, thiết kế mẫu sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần giúp người dân hiểu rõ sự cần thiết khi tham gia vào tổ chức HTX trong giai đoạn kinh tế thị trường biến động, giúp kinh tế hộ gia đình được cải thiện, từng bước giúp bộ mặt kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển ổn định hơn.
Phạm Minh Ngọc – Phòng Quản lý công nghiệp