Để ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam phát triển bền vững
Được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, ngành công nghiệp thực phẩm (CNTP) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2017), do Cục Xúc tiến thương mại – VIETRADE (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức ngày 16/11/2017 tại TP HCM.
Dẫn chứng về việc này, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện chiếm 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của thế giới, riêng năm 2017, dự kiến có thể xuất khẩu hơn 200.000 tấn, tuy nhiên giá trị thu về lại rất thấp so với nhiều quốc gia khác vì chủ yếu xuất khẩu tiêu thô hoặc sơ chế mà chưa có sản phẩm chế biến sâu.
Hơn nữa, dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sản lượng xuất khẩu lớn nhưng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước không ổn định cả về chất lượng và số lượng. Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng và đơn giá sản phẩm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo dự báo của FAO, từ nay đến năm 2025, nhu cầu về thực phẩm của thế giới không có sự gia tăng đột biến do quy mô dân số thế giới vẫn ở mức ổn định. Tuy nhiên, cơ cấu nhu cầu sản phẩm thực phẩm sẽ thay đổi rõ nét từ việc tiêu dùng thực phẩm cơ bản sang sử dụng phân khúc thực phẩm có chất lượng cao. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến thực phẩm không nhất thiết phải gia tăng công xuất, sản lượng mà cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và phát triển ngành CNTP một cách bền vững, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Trung Anh – Giám đốc R&D của Tập đoàn PAN cho rằng: “Để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam thì mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần hết sức nỗ lực nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi”.
Ở góc độ nhà phân phối, đại diện các tập đoàn thu mua, đại siêu thị trong và ngoài nước như: Walmart (Mỹ), CJ, Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), Vinmart, Satra... đều cho rằng, để các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam vào được các hệ thống phân phối hiện đại, ngoài giá cả và mẫu mã sản phẩm, cũng như sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại,… thì vấn đề quan trọng nhất đó là sản phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, tư vấn phát triển thị trường thực phẩm, ông Leon Truji – Công ty Nation Mark của Colombia nhận định rằng, song song với việc phát triển sản phẩm, các ngành hàng thực phẩm của Việt Nam cần cùng chung sức mạnh để xây dựng một thương hiệu thực phẩm quốc gia nhằm tăng mức độ nhận biết của thế giới với thực phẩm của Việt Nam. Việc Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) thời gian qua tập trung vào việc xây dựng, đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình Thương hiệu Thực phẩm quốc gia là một trong những hướng đi chiến lược, phù hợp với tình hình hiện tại và xu hướng phát triển tương lai của ngành CNTP Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC) về hợp tác xúc tiến thương mại giữa hai bên. Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty Nielsen Việt Nam trong việc phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy, tăng cường hiệu quả của các chương trình nghiên cứu phát triển thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại.
- Cà phê Việt Nam: Năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD
- Chính phủ ban hành Quy định áp dụng thuế suất thông thường với hàng hóa nhập khẩu
- Bộ Công Thương ban hành Thông tư bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Phấn đấu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD
- Thị trường Chiết Giang (Trung Quốc): Hấp dẫn nhờ nhu cầu 1,1 triệu tấn cao su/năm