Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Gần 28 tỷ USD vốn nước ngoài: Việt Nam vẫn đắt khách FDI
Những định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được thể hiện trong những tháng gần đây cho thấy triển vọng thu hút đầu tư thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc.

Hà Nội tiếp tục là điểm sáng 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) 10 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Dù thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục nhưng theo thống kê, 10 tháng năm 2018, cả nước có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN, tăng 35,8% so với cùng kỳ 2017 với tổng giá trị vốn góp 6,3 tỷ USD.
Cùng với giải ngân vốn FDI, các chỉ tiêu về thu hút vốn cũng cho thấy NĐTNN vẫn đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam. NĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhất với tổng số vốn đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư. Các vị trí tiếp theo là Hàn Quốc, Singapore chiếm lần lượt 23,4% và 14% tổng vốn đầu tư.
Trong 59 tỉnh, TP được NĐTNN bỏ vốn, kỳ này, Hà Nội tiếp tục thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỷ USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư, cách biệt với vị trí thứ hai là TP Hồ Chí Minh 4,6 tỷ USD.
FDI “biến dòng”
Theo báo cáo về những xu hướng đầu tư mới nhất của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), mặc dù FDI toàn cầu giảm 41% nửa năm nay nhưng dòng vốn nước ngoài vào khu vực Đông Nam Á tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 73 tỷ USD, dẫn đầu là Singapore với 35 tỷ USD. Các đối thủ cạnh tranh đáng chú ý khác trong khu vực Đông Nam Á về tổng khối lượng FDI là Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, vốn FDI của Nhật Bản và Hàn Quốc vào Việt Nam đến nay đều đứng hàng đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc Việt Nam phải tranh thủ tận dụng được nguồn FDI để lan tỏa và kết nối với DN trong nước.Từ đó có sự trợ lực từ công nghệ cao của nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, trong tháng 10, có nhiều văn kiện hợp tác đầu tư lớn được ký kết, như Biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đầu tư giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Jiayuan International về Dự án Đầu tư và xây dựng công viên phần mềm và cảng cạn ICD tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn của Công ty TNHH Lotte Rental với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 72 triệu USD; Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty GA Power về Dự án Nhà máy điện mặt trời Solarpark Hương Sơn và Nhà máy điện mặt trời Cẩm Xuyên, với tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD; Giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn cho Công ty TNHH LG Display với tổng vốn đăng ký tăng thêm 500 triệu USD…
Bộ KH&ĐT khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, đã nêu một thực tế rằng, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã thay đổi cách xúc tiền đầu tư. Đối với những ngành, lĩnh vực ưu tiên hướng vào thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia thì xúc tiến đầu tư vào các địa chỉ cụ thể. Dù bắt đầu chuyển hướng, song bước tiếp theo là cần từng bước tạo được hiệu mối liên kết chuyển giao công nghệ của các DN FDI với trong nước. Bên cạnh đó, cần tiếp đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường, đối tác tiềm năng và thêm nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục y tế... Đồng thời tăng cường năng lực thể chế và các hệ thống pháp luật, môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở…

Quảng cáo