Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao Đà Nẵng 2017, ngày 7/6, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Hội thảo "Làm gì để nâng sức cạnh tranh hội nhập cho doanh nghiệp Việt".
Tại hội thảo Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố kết quả khảo sát thị trường tiêu dùng Đà Nẵng. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Đà Nẵng các sản phẩm nhu yếu phẩm, gia dụng và đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, đồ uống và nông sản người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chon và sử dụng hàng Việt Nam, chiếm tỷ lệ từ 70-95%.
Các sản phẩm tiêu dùng lâu bền như điện tử, điện lạnh được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, hiện nay là một bộ phận người tiêu dùng, nhất là người trẻ, có trình độ cao, đang có xu hướng chuyển dịch lựa chọn và sử dụng sản phẩm ngoại nhập.
Bà Hồ Đức Minh, Chánh Văn phòng Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cho biết, khi lựa chọn kênh phân phối, đa số người tiêu dùng Đà Nẵng (ngoại trừ một số người tiêu dùng có thu nhập cao) vẫn lựa chọn các kênh phân phối truyền thống như chợ, tiệm tạm hóa với thói quen "ở chợ đồ tươi hơn" "ở chợ và tiệm tạp hóa thường có giá rẻ hơn siêu thị".
Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng kênh phân phối tại Đà Nẵng đang có xu hướng chuyển dần từ kênh phân phối truyền thống sang kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, 51% người tiêu dùng cho biết mức chi tiêu bình quân của họ mua sắm tại siêu thị tăng; khoảng 30% người tiêu dùng vẫn lựa chọn các kênh phân phối truyền thống.
Bà Minh phân tích, lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại Đà Nẵng ngày càng tăng đã tác động đến các kênh phân phối, bởi đa phần khách du lịch nước ngoài thường lựa chọn siêu thị là nơi mua sắm. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân hiện nay không đơn thuần là đi mua sắm mà còn kết hợp với giải trí.
Bởi vậy, kênh phân phối siêu thị đang được nhiều người lựa chọn, nhất là người tiêu dùng trẻ. Hiện nay, hội chợ tiêu dùng cũng là kênh phân phối được đa số người tiêu dùng quan tâm bởi mục đích tham quan, giải trí, nhất là các hình thức khuyến mãi giảm giá trực tiếp, mua hàng kèm quà tặng và bốc thăm trúng thưởng.
Theo bà Minh, thực tế cho thấy, người tiêu dùng đến với kênh phân phối hội chợ mục đích chính vẫn là tham quan, giải trí. Kết quả khảo sát cho thấy, tới 42% người tiêu dùng Đà Nẵng được hỏi cho biết hội chợ thương mại là nơi bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, bán các sản phẩm kém chất lượng và hàng tồn kho. Vì vậy, việc tổ chức hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Đà Nẵng là rất cần thiết, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được những sản phẩm hàng Việt chất lượng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, người tiêu dùng đã có xu thế mua sắm tại kênh phân phối hiện đại thay vì kênh truyền thống như trước đây. Điều này là do sự thay đổi điều kiện sống, mức sống và cả sự lo lắng của người tiêu dùng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên kênh bán lẻ hiện đại ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng "Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao- Chuẩn hội nhập" để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người Việt.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, đây là lần đầu tiên sau 20 năm thực hiện chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, đến nay, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã xây dựng Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao làm lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật. Đây là lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh hàng hóa trong khối ASEAN đang tràn ngập và cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.
Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, phát triển và quảng bá thương hiệu, đặc biệt là mở thêm cơ hội phát triển thị trường và hướng tới xuất khẩu. Đến nay, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao chứng nhận về “Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” cho 44 doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn.
Theo chuyên gia thị trường Nguyễn Tấn Kiến Phước, hiện người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ngành bán lẻ phải chú trọng đầu tư vào chất lượng và tìm cách cung cấp thông tin cho khách hàng. Hiện nay, sản phẩm mua online không thể đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng mà thay vào đó là khách hàng có thể đến tận nơi, sử dụng những thiết bị di động để kiểm tra hàng hóa. Việc áp dụng hình thức thanh toán di động là giải pháp giúp ngành bán lẻ chiếm lĩnh thị trường.
Các tin khác
- Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức của Sở Công Thương
- Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm tỉnh Yên Bái tại Ninh Bình
- ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG CHO CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
- Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Yên Bái
- Trung tâm khuyến công XTTM và phát triển cụm công nghiệp tham gia Chương trình giao thương giữa các nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại
Quảng cáo