Giao thương kết nối cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm… Việt Nam sang Quảng Tây, Trung Quốc
Ngày 10/6/2019, tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc.Hội nghị là một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn giao dịch thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh và Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) đồng tổ chức. Trên 300 đại biểu hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã tham dự hội nghị, trong đó phía Trung Quốc có gần 200 nhà nhập khẩu , đại diện các kênh phân phối, cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực nông sản, thực phẩm… ở Quảng Tây và các tỉnh lân cận.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Ngọc Vinh, Tổng lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh cho biết: Hợp tác trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, và hợp tác kinh tế qua biên giới, kết nối giao thông, du lịch...giữa Việt Nam - Quảng Tây đang được thúc đẩy và phát triển ổn định, mang lại cơ hội thương mại lớn cho doanh nghiệp hai bên.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, trong tổng thể quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây với những ưu thế của mình, luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường nội địa Trung Quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng, với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, vị thế thị trường láng giềng thông thương thuận tiện, sự tích cực tạo thuận lợi thương mại của các cơ quan hữu quan, thiện chí hợp tác và sự năng động của doanh nghiệp các địa phương Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên sẽ có nhiều hơn nữa các cơ hội triển vọng trong tương lai gần để cùng phát triển, vì sự thịnh vượng chung của các địa phương Việt Nam và Quảng Tây.
“Tôi đề nghị, trong thời gian tới, chúng ta cần phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ, triển lãm song phương, chương trình giao dịch thương mại... nhằm hiện thực hóa tính bổ sung lẫn nhau về kinh tế và nhu cầu của doanh nghiệp hai bên, biến tiềm năng thành những hợp tác cụ thể, hiệu quả và thiết thực, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa giữa các địa phương của Việt Nam với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói riêng và giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung tiếp tục tăng trưởng”, ông Phú nêu.
Về phía Quảng Tây, để tiếp tục mở rộng thương mại xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm với Việt Nam, ông Lương Nghệ Quang, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây cho rằng, trong đa dạng các giải pháp, cần có giải pháp cải thiện mức độ thuận lợi hóa thương mại giữa hai bên. Sở Thương mại Quảng Tây cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan hữu quan Việt Nam, cố gắng cải thiện các thủ tục hải quan như luồng xanh lá cây cho các sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu biên giới Đông Hưng và Bằng Tường; kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu quan trọng, để các doanh nghiệp, hành khách và cư dân biên giới có thêm thời gian làm thủ tục hải quan.
Giao thông thuận lợi cả về đường bộ và đường biển, sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý của các địa phương Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai bên đã tạo ra nền tảng vững chắc để hợp tác thương mại giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây ngày càng phát triển ổn định và bền vững. Thương mại Việt Nam – Quảng Tây luôn chiếm tỷ trọng trên 1/4 tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc. Năm 2018, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 26,73 tỷ USD, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này là sự khẳng định đối với vai trò chiến lược và quan trọng của Quảng Tây trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Tại hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Sơn La đã lần lượt ký Bản ghi nhớ Hợp tác phát triển thương mại với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Một trong những nội dung thỏa thuận quan trọng của Bản ghi nhớ đề cập tới việc hai bên nhất trí ủng hộ, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm tại Quảng Tây và các tỉnh của Việt Nam; hỗ trợ quảng bá hình ảnh, giới thiệu thông tin về tiềm năng, ưu thế của các tỉnh, thành phố; thúc đẩy đầu tư, hợp tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến xuất nhập khẩu tại Việt Nam và Trung Quốc.
Trong Chương trình giao thương tại hội nghị, doanh nghiệp hai bên đã tiếp xúc trực tiếp để trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường, giới thiệu năng lực cung cấp, thiết lập các mối liên hệ hợp tác kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp xúc với hàng trăm lượt doanh nghiệp Trung Quốc tại hội nghị và thu nhận được nhiều kết quả tích cực bằng các thỏa thuận cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm triển vọng cho thị trường Quảng Tây. Tại Chương trình giao thương,.
Công ty TNHH Thương mại Long Triển, Tịnh Tây, Quảng Tây là nhà nhập khẩu nhiều loại trái cây Việt Nam đã ký thỏa thuận với 3 doanh nghiệp Việt Nam gồm Công ty TNHH Kim Chính, Công ty Nông Sản Hùng Tấn, Công ty TNHH Thương mại Hùng Thảo để nhập khẩu các sản phẩm từ mít, vải thiều, long nhãn...
Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tổ chức bàn tư vấn doanh nghiệp ngay tại hội nghị, giải đáp nhiều mối quan tâm của doanh nghiệp nước bạn về các nguồn cung cấp rau quả, thực phẩm chất lượng của Việt Nam, sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, kết nối với các nhà cung cấp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc.
Tại Quảng Tây, ngoài chương trình hội nghị, đoàn giao dịch thương mại Việt Nam cũng đã tìm hiểu quy trình cung ứng hàng hóa nông sản tại Trung tâm giao dịch nông sản Nam Ninh, các thủ tục đưa hàng nông sản của Việt Nam vào giao dịch mua bán tại Trung tâm, xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thị trường Quảng Tây đối với hàng hóa nông sản, thực phẩm... của Việt Nam.
Nhân dịp này, ông Vũ Bá Phú cũng đã mời gọi các doanh nghiệp Quảng Tây đang lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam hoặc quan tâm cung cấp công nghệ thực phẩm tiên tiến của Quảng Tây, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm có xuất xứ Việt Nam tới trưng bày, tham quan, giao dịch tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2019 (Vietnam Foodexpo 2019) sẽ diễn ra từ ngày 13-16/11/2019 tại TP. Hồ Chí Minh.
- Thông tin Hội chợ làng nghề, sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022
- Thông tin Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2022
- Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Thương mại Khu vực Bắc Trung Bộ- Quảng Bình 2022
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Công thương Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- Hậu Giang năm 2022