Hôm nay, Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp ô tô liên quan Nghị định 116
Nếu những kiến nghị liên quan Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải về nhập khẩu ô tô được chấp nhận tháo gỡ, doanh nghiệp vẫn lo ngại phải "ngồi chơi" trong vài tháng để chỉnh sửa văn bản.
Dự kiến hôm nay (26/2), Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 về ô tô và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, sẽ có sự tham dự của Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại châu Âu cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô.
Trao đổi với BizLIVE trước thềm cuộc đối thoại, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách của VAMA, cho biết cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào cuộc đối thoại lần này. Trước đó, VAMA đã 4 lần gửi thư kiến nghị lên Chính phủ, các cuộc đối thoại với Bộ, ngành diễn ra khá nhiều.
Trước câu hỏi, trong rất nhiều khó khăn mà phía doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nêu ra, VAMA mong muốn tháo gỡ khó khăn gì nhất, ông Tuấn chia sẻ, đó là quy định về Giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 116, khi tiến hành việc kiểm tra, thử nghiệm xe, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Được biết, VAMA trong năm 2017 đã liên tiếp gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan kêu khó vì không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Vẫn theo ông Phạm Anh Tuấn, vì không xin được giấy chứng nhận nói trên, kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp không thể nhập khẩu được ô tô.
"Nếu không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, xe nhập về Việt Nam sẽ không được tiến hành kiểm tra việc thử nghiệm, cũng có nghĩa không thể được làm thủ tục thông quan", ông Tuấn giải thích.
Bên cạnh vướng mắc liên quan Giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hai rào cản đang làm khó các doanh nghiệp là quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ô tô.
Trưởng Tiểu ban Chính sách VAMA lo ngại, nếu khó khăn được chấp nhận tháo gỡ nhưng do liên quan tới việc sửa Nghị định nên chắc chắn cần phải có thời gian khá dài.
Trong diễn biến liên quan, Tổng cục Hải quan thống kê, từ khi Nghị định 116 có hiệu lực, tính đến hết ngày 15/2/2018 lượng xe nguyên chiếc 9 chỗ ngồi nhập khẩu chỉ đạt hơn 4.700 chiếc, chiếm khoảng 20% tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam cùng thời gian trên.
Trong khi đó, theo thống kê của cơ quan hải quan từ tháng giữa 10/2016 đến hết ngày 15/2/2017, lượng xe con nhập về Việt Nam đạt 22.700 chiếc, gấp gần 5 lần so với giai đoạn từ 17/10/2017 - 15/2/2018. Đồng thời, lượng xe con nhập khẩu về từ ngày 16/10/2016 đến giữa tháng 2/2017 chiếm 55% tổng lượng xe nhập về Việt Nam.
Đặc biệt, mới đây, Tổng cục Hải quan cho hay, trong tuần Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 chỉ có 1 chiếc ô tô dưới 9 chỗ ngồi được mở tờ khai hải quan nhập khẩu, với trị giá khai báo là 16,5 nghìn USD (hơn 375 triệu đồng).
Các tin khác
- Cà phê Việt Nam: Năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD
- Chính phủ ban hành Quy định áp dụng thuế suất thông thường với hàng hóa nhập khẩu
- Bộ Công Thương ban hành Thông tư bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Phấn đấu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD
- Thị trường Chiết Giang (Trung Quốc): Hấp dẫn nhờ nhu cầu 1,1 triệu tấn cao su/năm
Quảng cáo