Ngày 23/10/2017, EU chính thức thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với các sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lý do “hành động không đủ để chống lại đánh bắt bất hợp pháp”.
Đồng thời, EU đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018), trong đó có các nội dung: Hoàn thiện thể chế; Quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; Hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…
Mặc dù Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet nói rằng: “Nhận được thẻ xanh là một điều tuyệt vời nhưng cũng đừng xem thẻ vàng là một sự trừng phạt của EU. Hãy xem thẻ vàng là động lực giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực”. Tuy nhiên, sau 6 tháng bị gắn thẻ vàng, nếu không đáp ứng các yêu cầu của EC thủy sản Việt Nam sẽ bị phạt thẻ đỏ, đồng nghĩa toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản vào EU sẽ bị cấm.
Với mục tiêu để lấy lại thẻ xanh từ EU, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EU. Bà Nguyễn Thị Phương Dung-Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam (từ Trung ương tới địa phương, cộng đồng ngư dân) đã hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, chống hành vi khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).
Hàng loạt giải pháp mang tính cấp bách, khẩn trương tập trung như: rà soát và ban hành bổ sung các quy định về chống khai thác IUU tại các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai các quy định đã được ban hành; tuyên truyền phổ biến về các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU tới cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; tăng cường hợp tác với các quốc gia ven biển, các quốc đảo để ngăn chặn hành vi khai thác IUU; thực hiện đối thoại với EU, cập nhật tiến độ mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng nghề cá có trách nhiệm...
Cụ thể, Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2019) được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 đã nội luật hóa tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU. Các quy định liên quan đến khai thác IUU được thể hiện trong hầu hết trong các chương, điều của Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 từ chương quy định chung, quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, cảng cá đến trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong quản lý khai thác IUU.
Ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được thông qua, các nội dung được giao Chính phủ, Bộ trưởng hướng dẫn đã được rà soát để xác định số lượng văn bản cần ban hành để hướng dẫn các điều, khoản được giao trong Luật. Bên cạnh đó, để đảm bảo triển khai các khuyến nghị của EU trong khi Luật Thủy sản chưa có hiệu lực thi hành, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã kịp thời tiến hành sửa đổi, ban hành các văn bản để thực hiện. Luật Thủy sản sửa đổi cũng tăng mức chế tài xử phạt, quy định khung hình phạt đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm, 2 tỉ đồng đối với tổ chức.
Các địa phương ven biển rất quyết liệt trong việc thực hiện các cảnh báo “thẻ vàng” của EC về ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp. Tại tỉnh Quảng Ngãi-nơi trước đây có nhiều phương tiện đánh bắt trái phép tại các vùng biển nước ngoài, không chỉ 2 địa phương chiếm tỷ lệ đông nhất là xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và xã An Hải, huyện Lý Sơn, các ngư dân thống nhất ký cam kết không vi phạm pháp luật trong quá trình đi khai thác thủy sản.
Theo kết quả điều tra, xác minh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, các tàu cá QNg 90518TS, QNg 90945TS, QNg 96697TS đã đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Do đó, tỉnh Quảng Ngãi có biện pháp mạnh, việc xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép bằng cách ban hành quyết định không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách của Nhà nước đối với chủ tàu cá, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khai thác thủy sản vĩnh viễn và không cho phép sang tên đổi chủ đối với tàu cá mang số hiệu QNg 90518TS do ông Nguyễn Văn Phú làm chủ tàu kiêm Thuyền trưởng.
Hai tàu cá số hiệu QNg 90945TS do ông Lê Thanh Quang làm chủ tàu kiêm Thuyền trưởng và tàu cá QNg 96697TS do ông Phạm Hữu Trọng làm chủ tàu kiêm Thuyền trưởng, tỉnh không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách của Nhà nước đối với 2 chủ tàu cá; không cấp bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản và không cấp phép đăng ký đóng mới tàu cá đối với ông Quang, ông Trọng.
Các tỉnh khác có tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài cũng có chế tài nghiêm khắc như: Tước giấy phép khai thác vĩnh viễn, đồng thời xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm, cũng như tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ngành chức năng các tỉnh buộc chủ tàu khai thác hải sản xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, khi xuất bến bật thiết bị 24/24h để kết nối với Trạm bờ của cơ quan chức năng để theo dõi.
- Kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
- Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
- FDI từ Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng
- Bộ Công Thương đánh giá tình hình triển khai các dự án điện trọng điểm
- Đầu tư xây dựng chợ: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia