Để kịp thời ngăn chặn những hành vi này, vừa qua, Sở Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất thực phẩm tại 5 cơ sở sản xuất, gồm: Công ty TNHH MTV Như ý Ninh Bình (sản xuất rượu, bia); Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hà Vy (sản xuất mầm đậu nành); Công ty TNHH Hùng Thoa Ninh Bình (sản xuất bánh mỳ); DNTN rượu hồng Kim Sơn (sản xuất rượu thủ công); Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VINCOMMERCE - chi nhánh Ninh Bình (sản xuất bánh mỳ).
Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% cơ sở được kiểm tra có đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp và thủ công (đối với cơ sở sản xuất rượu), giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động có liên quan đến thực phẩm.
Đối với các điều kiện trong sản xuất, có 80% cơ sở chấp hành tốt các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị dụng cụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các cơ sở có sản phẩm bao gói sẵn đã thực hiện công bố sản phẩm và được ghi nhãn, dán tem (đối với sản phẩm rượu) theo quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số cơ sở chấp hành chưa nghiêm quy định về điều kiện trong sản xuất. Tại công ty TNHH Hùng Thoa Ninh Bình vẫn chưa đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ trong sản xuất thực phẩm như khu vực sản xuất, tường nhà, trần nhà mốc đen bám, thiếu giá, kệ, thùng đựng rác thải không có nắp đậy. Cùng với đó, người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang theo quy định.
Một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Như ý Ninh Bình và DNTN Rượu Hồng Kim Sơn vẫn vi phạm về cơ sở sản xuất chưa đáp ứng quy định của pháp luật điều kiện về con người như: Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động có liên quan đến thực phẩm mới hết hiệu lực...
Thông qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã kết hợp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất thực phẩm trong việc tuân thủ pháp luật và chỉ ra các tồn tại, hạn chế, yêu cầu các cơ sở khắc phục trong thời hạn nhất định.
Để triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP đạt hiệu quả, đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới các phòng chuyên môn của Sở Công thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về chấp hành các điều kiện trong sản xuất thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm và tăng cường kiểm tra việc duy trì các điều kiện sau khi thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm.
Đồng thời, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đánh giá trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP.
Trong công tác đảm bảo ATTP không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp. Do vậy, bản thân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông, Marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững.
Báo Ninh Bình