Theo Chánh văn phòng Sở NN-PTNT Bình Thuận, người dân trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP trước đây luôn u sầu vì sản phẩm họ làm ra chỉ được giá ngang bằng với giá thanh long truyền thống. Ông cho hay: “Vì xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch nên thanh long truyền thống và VietGAP, GlobalGAP được thương lái thu mua chung chung với giá như nhau. Người trồng VietGAP, GlobalGAP không có cơ hội để tạo sự khác biệt nên nhiều người chán nản”.
Ông Nguyễn Văn Toản, người trồng thanh long ở xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, gia đình ông thực hiện mô hình VietGAP đã nhiều năm. Việc thực hiện sản xuất mô hình này đòi hỏi nhà vườn bỏ nhiều công sức, phải kỷ luật cao để đảm bảo đầy đủ các tiêu chí.
“Gần đến ngày thu hoạch, chúng tôi sợ nhất là nấm tắc kè và ốc sên hại trái vì không thể dùng thuốc để diệt trừ. Thiệt hại bao nhiêu cũng phải chịu vì mình tuân thủ quy trình VietGAP. Đối với những hộ dân trồng không theo mô hình này, họ có thể dùng thuốc để diệt trừ, bảo vệ được cây trái và tự nhiên trái cây của họ nhận được sự ưu ái của thương lái”, ông Toản tâm sự.
Cũng theo ông Toản, hiện nay, trước thông tin Trung Quốc tăng cường tiêu thụ chính ngạch thanh long, ông vui vì thấy sản phẩm mình làm ra bắt đầu có cơ hội xuất khẩu. Gia đình ông đã liên kết với một hợp tác xã dịch vụ và đăng ký thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc… để chuẩn bị cho thanh long đi chính ngạch.
Người dân trồng thanh long VietGAP ở Bình Thuận đã đăng ký thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc để sẵn sàng cho xuất khẩu |
Khi thị trường có sự thay đổi, những người trồng thanh long truyền thống cũng bắt đầu có xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất. Anh Bình, nông dân ở xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, gần 5 năm qua, gia đình anh vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống. Trái cây của gia đình anh chủ yếu được các thương lái trong vùng thu mua để xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Anh chia sẻ: “Họ chỉ yêu cầu trái cây to, đẹp và ít khi phàn nàn về các vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên có phần dễ làm. Bây giờ, thị trường có sự thay đổi thì gia đình tôi cũng phải thay đổi theo nếu không sẽ không bán được thanh long. Tôi dự kiến chuyển qua làm mô hình VietGAP trong năm tới”.
Ông Ngô Xuân Hiền, giám đốc một hợp tác xã thanh long ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ, ông vui vì cơ hội cho người làm mô hình VietGAP, GlobalGAP đang tăng lên. Hiện nay, nhiều người dân làm theo truyền thống bắt đầu tìm hiểu thông tin để chuyển qua làm thanh long chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Võ Tính, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH Một thành viên rau quả Bình Thuận cho biết, từ trước tới nay, thị trường Trung Quốc thả lỏng nên người trồng thanh long cứ sản xuất theo truyền thống. Bây giờ, nếu người dân không thay đổi, không đi trước trong việc làm hàng chất lượng cao thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Người làm thanh long cần phải đi vào quy trình VietGAP và thực hiện đăng ký mã vùng trồng… Thực ra, nếu người dân chịu làm thì các quy trình của VietGAP không quá khó đối với họ. Một khi đã làm được hàng sạch thì không sợ bị bắt ép”, ông Tính nhận định.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 29,5 nghìn ha cây thanh long, năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Tổng sản lượng hàng năm ước khoảng 600-700 nghìn tấn.
Từ trước đến nay, 95% thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng có đến 90% xuất theo tiểu ngạch, 5% còn lại là xuất chính ngạch bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng tổ chức xuất khẩu thanh long qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… nhưng con số này không đáng kể.
Theo congthuong.vn
- Thông tin Hội chợ làng nghề, sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022
- Thông tin Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2022
- Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Thương mại Khu vực Bắc Trung Bộ- Quảng Bình 2022
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Công thương Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- Hậu Giang năm 2022