Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Thanh tra thuế hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài

Liên tục báo lỗ nhưng lại không ngừng mở rộng quy mô, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có dấu hiệu trốn thuế.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến hết năm 2016 các DN FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị, 15% thị phần qua siêu thị mini và 50% thị phần qua các hình thức bán trực tuyến… trong đó có nhiều tên tuổi đình đám trên thế giới như: 7-Eleven, Lotter, BigC, Circle, Auchan, Family…
Những nghi án trốn thuế, chuyển giá
Những năm gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút lớn, liên tục có những gương mặt mới và đình đám trên thế giới tham gia. Vì vậy, việc báo lỗ của các DN như Lotte, BigC, Metro…thời gian qua là một câu chuyện đáng ngờ.
Thực tế, khi cơ quan thuế vào cuộc đã phát hiện ra những khoản tiền thất thu thuế khủng từ trốn thuế và chuyển giá của các DN này.
Một số cái tên có thể kể ra đó là Công ty Metro Cash & Carry. Cơ quan thuế cho biết, chỉ riêng việc thanh toán tiền mua thương hiệu trong 6 năm (2006-2013) khoản tiền này lên tới 731 tỷ đồng. Trong đó 3 năm đầu, Metro không đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định của Nghị định 35 nên khoản tiền trả cho bên Đức ở giai đoạn này không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế.
Mới đây nhất, Lotte Mart cũng nối gót các “anh chị” liên tiếp mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và lại báo lỗ rất lớn. Lotte Mart bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 và bắt đầu phát sinh doanh thu từ năm 2008. Hàng năm doanh thu của Lotte tăng trưởng 1.000 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, báo cáo với cơ quan thuế Việt Nam năm nào cũng lỗ.
Cụ thể, năm 2007 lỗ 45 tỷ đồng, năm 2008 lỗ tăng hơn gấp 3 lần, lên mức 153 tỷ đồng. Đến năm 2015 mức lỗ vượt 500 tỷ đồng. Sang năm 2016 Lotte lỗ tiếp khoảng 260 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia ngành thuế, hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế của nhiều doanh nghiệp FDI đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Tuy nhiên, để phát hiện được các vi phạm này lại không hề dễ dàng. Ngoài phương cách chuyển giá phổ biến là khai khống tiền đầu tư, tiền vay để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, còn có các hình thức như chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình, vô hình giữa các bên liên kết; qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên có quan hệ liên kết...
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn là do những ưu đãi về thuế còn dàn trải, phức tạp, tạo nhiều lỗ hổng giúp các DN FDI chuyển giá, trốn thuế.
Để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế, Bộ Tài chính đã có quy định mới về quản lý thuế đã có hiệu lực, buộc các công ty đa quốc gia phải cung cấp 3 loại báo cáo: Báo cáo quốc gia, báo cáo tập đoàn và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia có hiệu lực từ đầu tháng 5/2017.
Tại hội thảo: Báo cáo về công bằng thuế mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế (VCCI) cho biết, có đến 60% doanh nghiệp FDI chuyển giá có lợi nhuận rất cao, 44% doanh nghiệp  lợi nhuận cao, 9% doanh nghiệp là báo cáo ít.
Do vậy, giới chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan thuế cần làm đến cùng những doanh nghiệp có “nghi án” trốn thuế chuyển giá.
Thất thu thuế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
Trước đó, năm 2013, trong một điều tra toàn quốc của Tổng cục Thuế về tình trạng trốn thuế đã chỉ ra rằng có đến 83% DN FDI đang sử dụng nhiều mánh khoé khác nhau nhằm giảm số tiền thuế phải nộp.
Mới đây, báo cáo đánh giá của tổ chức Oxfam cũng cho thấy, chính sách ưu đãi thuế đã góp phần thu hút vốn FDI, tuy nhiên cũng đã làm giảm thu ngân sách thuế khá lớn.
Cụ thể, năm 2013 giảm thu ngân sách từ thuế TNDN là 2.080 tỷ đồng, năm 2014 là 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2017 thuế TNDN giảm về mức 20% chắc chắn nguồn thu ngân sách sẽ giảm mạnh.
Do vậy, để cân bằng lại những thất thu từ thuế, cơ quan thuế phải tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, không để DN lợi dụng kẽ hở và những ưu đãi để trốn thuế thuế, chuyển giá.
Tổng Cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát và tiến hành thanh tra doanh nghiệp FDI kinh doanh bán lẻ. Theo đó, Cục Thuế các địa phương làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu.
Trên cơ sở thông tin rà soát, thông tin quản lý thuế, các Cục Thuế phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế.
Thời kỳ thanh tra trong 5 năm, từ 2012-2016 và sẽ thực hiện thanh tra các năm chưa được thanh, kiểm tra thuế.
Một số nội dung thanh tra sẽ nhắm đến các sắc thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu. Hay như việc sử dụng thương hiệu dưới hình thức nhượng quyền thương mại hoặc chuyển quyền sở hữu nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý, chưa kê khai nộp thuế chuyển nhượng vốn giữa các chủ sở hữu theo quy định.
Ngoài ra, Tổng Cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế rà soát chi phí dịch vụ mà các doanh nghiệp này trả cho các công ty mẹ ở nước ngoài nhưng không chứng minh được dịch vụ tư vấn đã được thực hiện, hoặc dịch vụ không phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam…

Quảng cáo