Thúc đẩy quan hệ thương mại gạo giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc luôn phát triển tốt đẹp, năm 2018, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 147,8 tỷ USD tăng trưởng 21,2%, Trung Quốc 15 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện cũng là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 8 trên toàn cầu của Trung Quốc.
Trong mối quan hệ hợp tác thương mại phát triển đầy thuận lợi này, hợp tác thương mại gạo đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều duy trì đà tăng trưởng cao. Doanh nghiệp hai bên thông qua hợp tác đã khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Trung Quốc và phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Năm 2018 theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch gạo nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 740 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Gạo là một trong những mặt hàng lương thực thiết yếu quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% thương mại gạo toàn cầu.
Hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại trên hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại (như gạo hạt dài, gạo thơm, jasmine, japonica, nếp…), giá trị, chất lượng với các thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hồng Kong, Singapore...
Để quan hệ thương mại gạo giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng phát triển, từ năm 2016 - 2018, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chủ trì tổ chức và đón 04 đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ các tỉnh: An Huy, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến… vào khảo sát thực địa tại các địa phương và giao dịch mua hàng, qua đó, đã giới thiệu đến các doanh nghiệp Trung Quốc quá trình sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với hệ thống kho chứa, cơ sở xay, xát hiện đại đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu cả về chất lượng và giá cả.
Tiếp nối những thành công đó, năm 2019, Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi tổ chức chương trình đón đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo đến từ các địa phương của Trung Quốc là Hạ Môn, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Trung Sơn, Đông Quảng, Quảng Châu, Hồ Nam, Giang Tô, Thâm Quyến… do Hiệp hội Lương thực Trung Quốc làm Trưởng đoàn tham gia chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại Việt Nam từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 5 năm 2019.
Sáng ngày 06 tháng 5 năm 2019, đoàn đã làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã nhận định, với những lợi thế và tiềm năng về sản xuất lúa gạo của Việt Nam, những ưu thế về quan hệ láng giềng hữu nghị, khoảng cách địa lý và điều kiện giao thương rất thuận tiện giữa hai nước, quan hệ thương mại gạo giữa Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Đối với Việt Nam, tăng cường quan hệ thương mại gạo với Trung Quốc sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân. Trong khi đó, phía Trung Quốc sẽ có nguồn cung cấp gạo ổn định, chất lượng, giá cả cạnh trạnh và thuận tiện giao hàng đáp ứng nhu cầu tiêu trong nước từ Việt Nam. Những hoạt động giao thương cụ thể của các doanh nghiệp hai nước sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ thương mại gạo giữa hai nước nói chung tạo tiền đề đưa kim ngạch giao thương gạo của hai nước đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp tham dự buổi làm việc cũng thống nhất cao về sự cần thiết của các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ trực tiếp và kết nối giao thương. Cũng tại buổi làm việc, Hiệp hội Lương thực Trung Quốc và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã trao đổi, thống nhất thiết lập cơ chế hợp tác, kênh thông tin chặt chẽ giữa hai Hiệp hội để thúc đẩy thương mại gạo giữa hai nước.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức “Hội thảo hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam - Trung Quốc” vào sáng ngày 09 tháng 5 năm 2019 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Hội thảo giao thương là cơ hội để doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc hiểu thêm về ngành lúa gạo Việt Nam, về chất lượng sản phẩm gạo, những định hướng, kế hoạch phát triển ngành sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam trong thời gian tới để có thể định hình kế hoạch kinh doanh, đầu tư hay giao dịch, hợp tác với các doanh nghiệp gạo của Việt Nam.
- Kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
- Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
- FDI từ Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng
- Bộ Công Thương đánh giá tình hình triển khai các dự án điện trọng điểm
- Đầu tư xây dựng chợ: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia