Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện địa phương này đã xác định 8 vùng trồng vú sữa để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, với diện tích trên 100 ha của 276 hộ.
Vú sữa xuất khẩu được trồng ở các địa phương là xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè), xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) và các xã Hữu Đạo, Bàn Long, Phú Phong, Long Hưng, Bình Trưng, Đông Hòa (huyện Châu Thành).
Hiện Tiền Giang có 5 doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp này đã được cấp mã số vùng trồng, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lâm Mộc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ánh Dương Sao, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Màu Xanh Vĩnh Cửu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất - Nhập khẩu Chánh Thu.
Vú sữa là 1 trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang, là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Sản phẩm trái vú sữa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Loại cây này trồng khá phổ biến trên dải đất ven sông Tiền thuộc các huyện phía Tây của tỉnh như: Huyện Châu Thành, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Cái Bè.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp khôi phục lại diện tích và sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ sau khi được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức cấp phép nhập khẩu trái vú sữa tươi Việt Nam hồi đầu năm 2017.
Toàn tỉnh Tiền Giang còn khoảng 500 ha cây vú sữa, giảm từ 5 đến 6 lần so với những năm trước và thời gian gần đây, diện tích này vẫn đang tiếp tục giảm, do vú sữa bị bệnh khô cành, thối rễ. Đồng thời, từ năm 2016 đến nay, năng suất vú sữa cũng giảm đáng kể do bị bệnh thối trái không rõ nguyên nhân.
Nắm bắt cơ hội trái vú sữa tươi Việt Nam vừa được phép nhập vào thị trường Hoa Kỳ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đã kêu gọi chính quyền các xã có truyền thống trồng vú sữa, nông dân và doanh nghiệp liên kết khôi phục lại cây vú sữa thông qua các giải pháp như chọn vùng trồng mới, hoặc cải tạo diện tích vú sữa già cỗi; áp dụng nghiêm ngặt các kỹ thuật canh tác tiên tiến, kiện toàn hệ thống thủy lợi, sử dụng bón phân, thuốc bảo vệ thực vật hợp lí, đặc biệt tránh trường hợp lạm dụng phân bón hóa học dễ dẫn đến tình trạng vú sữa bị bệnh thối rễ,…
Trong quá trình canh tác và chăm sóc cây vú sữa, cần quan tâm đến các yêu cầu vệ sinh thực phẩm như: Đăng kí giấy chứng nhận sản xuất theo Global GAP hoặc Việt GAP, bao trái,…Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục tập huấn cho nông dân tại các vùng trồng đã được cấp mã số về ghi chép sổ nhật ký sản xuất trái vú sữa, hướng dẫn bao trái và đặc biệt là không sử dụng 5 hoạt chất phía Hoa Kỳ cảnh báo, trong đó có hoạt chất Carbendazim đã cấm sử dụng tại nước này./.
- Cà phê Việt Nam: Năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD
- Chính phủ ban hành Quy định áp dụng thuế suất thông thường với hàng hóa nhập khẩu
- Bộ Công Thương ban hành Thông tư bổ sung Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Phấn đấu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD
- Thị trường Chiết Giang (Trung Quốc): Hấp dẫn nhờ nhu cầu 1,1 triệu tấn cao su/năm