Cơ chế bảo hộ cùng những chính sách rườm rà, thiếu hiệu quả là một trong số những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, làm suy giảm hiệu quả kinh tế và thiếu sức hút với nguồn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, chương trình Aus4reform ra đời với tổng kinh phí khoảng năm triệu USD và kéo dài trong bốn năm, với mục đích hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng, cũng như thực hiện các chính sách kinh tế nhằm nâng cao năng suất và thiết lập nền kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh sự giúp đỡ của Australia, chương trình Aus4reform còn có sự tham gia của các nhóm chuyên gia hàng đầu Việt Nam, các cơ quan chính phủ có trách nhiệm hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế, bao gồm Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Cục Cạnh tranh và Người tiêu dùng Việt Nam (VCCA), Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...
Buổi hội thảo chủ yếu xoay quanh ba nội dung quan trọng, như xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia hướng tới tăng trưởng năng suất, thực hiện quá trình rà soát về năng suất, chính sách cạnh tranh và nhu cầu cấp thiết phải đưa ra những đề xuất sửa đổi, điều chỉnh hay thậm chí cải cách các quy định, chính sách kinh tế, luật pháp và các thể chế khung theo hướng dung hợp quyền lợi của khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân.
Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đồng thời là Giám đốc chương trình Aus4reform cho rằng, hiện tại tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm dần do mức tăng trưởng GDP ngày càng phụ thuộc vào năng suất lao động vốn đã thấp so các nước trong khu vực. Từ năm 2006 đến năm 2016, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 7% xuống còn 6,2%. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều nghịch lý tồn tại trong nền kinh tế, như thiếu tính cạnh tranh công bằng giữa DN nhà nước và tư nhân, giữa DN Việt Nam và nước ngoài; sự bế tắc trong chuyển dịch các cơ cấu thành phần kinh tế…
Trong khi các DN nhà nước có quy mô lớn thì năng suất lao động thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tốc độ gia tăng giá trị của khu vực kinh tế tư nhân tương đối cao, nhưng lại khó mở rộng quy mô tương xứng vì gặp phải những rào cản về chính sách… Ngoài ra, còn có những hạn chế trong chính sách cạnh tranh khiến nhiều DN lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, kể cả các công ty lâu năm như Intel (Mỹ) hay Samsung (Hàn Quốc) vẫn chưa tạo được nhiều sự ảnh hưởng hay động lực thúc đẩy các DN Việt Nam cùng phát triển.
Về phía Australia, đáng chú ý nhất là tham luận của GS Michael Woods, thuộc Trường đại học Quốc gia Australia. Ông Woods bày tỏ quan điểm ủng hộ giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng suất và xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện mà phía Việt Nam đưa ra, bao gồm việc xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường, tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường và bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Ngoài ra, GS Woods cũng nêu ra một số thành tựu và bài học kinh nghiệm trong quá trình cải cách chính sách của Australia. Nhờ việc duy trì nền kinh tế mở và cạnh tranh bình đẳng từ năm 1980, GDP nước này liên tục tăng trưởng từ năm 1990. Bài học kinh nghiệm của Australia nằm ở sự tập trung cải cách chính sách cạnh tranh ở các lĩnh vực cốt yếu như năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng và quy hoạch… đồng thời giảm những gánh nặng do quy định, thể chế rườm rà hoặc quan liêu, vốn là nguyên nhân làm hạn chế tính cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế và cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tiếp nối những dự án hỗ trợ trước đây của Australia dành cho Việt Nam như “Vượt ra ngoài WTO” và “Tái cấu trúc cho một Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn”, chương trình Aus4reform là sáng kiến xây dựng mối liên kết giữa Australia và Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong phát triển kinh tế.
- Thông tin Hội chợ làng nghề, sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022
- Thông tin Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2022
- Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Thương mại Khu vực Bắc Trung Bộ- Quảng Bình 2022
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Công thương Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- Hậu Giang năm 2022