Việt Nam – Campuchia: Phấn đấu đạt kim ngạch hai chiều 10 tỷ USD
Chiều ngày 4/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng Hội đồng phát triển Campuchia đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia năm 2019, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen.
Hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng
Khẳng định quan hệ Việt Nam – Campuchia đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều đoanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đã có sự hiện diện và khá am hiểu thị trường hai nước. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy gia tăng quy mô hợp tác đầu tư và mở rộng thị trường, đưa sản phẩm hàng hóa của Campuchia và Việt Nam thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường của nhau.
Trong thời gian qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng đều qua từng năm và đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với hơn 4,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2017), 9 tháng đầu năm 2019 đã đạt 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.
“Với đà tăng trưởng này, dự báo kim ngạch thương mại hai chiều sẽ vượt 5 tỷ USD trong năm 2019, vượt mốc do hai Thủ tướng đặt ra cho năm 2020. Đặc biệt, hai nước phấn đấu 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, có 178 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,8 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có đầu tư vào Campuchia. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đạt 50,4 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động đầu tư của Việt Nam tập trung các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông – công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến – chế tạo…
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như: Miliket, Vifon, Bitis, Bình Điền, Acecook, các ngân hàng lớn (BIDV, SHB, Agribank, Sacombank, MB), doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam (Viettel, Cao su, Điện lực..)… đã có mặt tại Campuchia, góp phần vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia cũng như trở thành động lực hợp tác bền chặt giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Về du lịch, nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là 1 trong những nước dẫn đầu về số lượng khác du lịch sang đất nước Chùa Tháp, với gần 900 nghìn lượt khách trong năm 2018 và năm 2019 sẽ là 1 triệu lượt.
Bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC – bày tỏ mong muốn thời gian tới có cơ hội mở rộng đầu tư trong việc phát triển dự án về đô thị, nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp ở các thành phố du lịch nổi tiếng của Campuchia. Đồng thời, mong muốn kết nối đường bay của Việt Nam với các điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia.
“Tiềm năng du lịch giữa Việt Nam và Campuchia rất lớn, hy vọng sớm nhận được từ Campuchia những danh mục dự án đầu tư, và mong Campuchia xây dựng cơ chế thuế, ưu đãi về đất đai cho các doanh nghiệp Việt Nam” – bà Hương Trần Kiều Dung bày tỏ.
Nhiều tiềm năng nâng tầm quan hệ hợp tác
Nhấn mạnh Việt Nam và Campuchia đều là những nền kinh tế đang phát triển năng động trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên dưới 7% - thuộc nhóm cao trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm lực phát triển kinh tế của mỗi nước còn rất lớn, đặt ra nhiều cơ hội cho hợp tác kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng.
“Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và Campuchia được đón nhận tại các thị trường của nhau” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, rất nhiều tiềm năng mở ra trong các lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông – lâm – thủy – hải sản, phát triển du lịch lữ hành và khách sạn.
Thời gian tới, hai chính phủ Việt Nam và Campuchia tiếp tục thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia. Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan hai nước tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là chính quyền các địa phương biên giới cần tăng cường triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế quan cho hàng hóa và sự đi lại của nhà đầu tư, người dân hai nước.
Ngoài ra, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã ký giữa hai nước, cụ thể là Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia đến 2030; Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
"Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất cho hàng hóa, doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách và người dân Campuchia khi đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh và du lịch" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia tuân thủ quy định của pháp luật Campuchia; thực hiện các quy tắc và chuẩn mực đạo đức kinh doanh tiến bộ. Bên cạnh đó, không chỉ tìm kiếm lợi nhuận thuần túy mà còn phải có ý thức đóng góp cho cộng đồng, xã hội, bảo vệ môi trường.
“Cần xem mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. Mỗi doanh nghiệp đầu tư sang Campuchia phải là một Đại sứ cho mối quan hệ hợp tác “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài trên tinh thần anh em hai dân tộc” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Samdech Techo Husen truyền thông điệp kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Campuchia |
Về phía Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Husen cũng truyền tải thông điệp kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistics, lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, giáo dục và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp. Đặc biệt, kêu gọi doanh nhân Việt Nam đầu tư vào việc kết nối truyền tải và kinh doanh năng lượng giữa Campuchia và Việt Nam.
Hiện, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đề ra một số biện pháp chủ chốt mới nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh của các nhà đầu tư, tổng cộng khoảng 400 triệu USD trong một năm, góp phần làm tốt hơn nữa môi trường thương mại và đầu tư.
“Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ đảm bảo về môi trường đầu tư hấp dẫn, tiện ích, đặc biệt là hòa bình, an ninh và ổn định chính trị, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, khuôn khổ luật pháp và cơ chế một cách hiệu quả, minh bạch, trách nhiệm cao và có thể dự báo được”- Thủ tướng Samdech Techo Husen nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng phát triển Campuchia đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác xúc tiến đầu tư, dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng.
Theo congthuong.vn
Các tin khác
- Thông tin Hội chợ làng nghề, sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022
- Thông tin Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2022
- Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Thương mại Khu vực Bắc Trung Bộ- Quảng Bình 2022
- THƯ MỜI Tham gia hội chợ Công thương Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long- Hậu Giang năm 2022
Quảng cáo