Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Xây dựng dự án Bộ luật Lao động: Sẽ có tiêu chí mới cho “mức lương tối thiểu”
Bộ LĐTBXH đang đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), một trong những nội dung quan trọng là sẽ đưa ra những tiêu chí mới để làm căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu với mục đích “Bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu và cải thiện đời sống người lao động”. Việc sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thì mức lương vẫn nên căn cứ theo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Sẽ có 5 tiêu chí cụ thể để xây dựng lương tối thiểu
Bộ LĐTBXH đánh giá: theo khảo sát với 1.600 người lao động tại 60 công ty do Tổng LĐLĐVN thực hiện cho biết 20% trả lời thu nhập không thể đủ cho cuộc sống của họ; 31% phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm; 41% có mức lương chỉ đủ để trang trải các nhu cầu cuộc sống của họ; và chỉ có 8,0% có khả năng để làm cho tiết kiệm. Với mức thu nhập thấp như vậy, người lao động buộc phải làm việc thêm giờ để duy trì cuộc sống.
Khoản 1, Điều 91 của Bộ Luật Lao động hiện hành quy định: Tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Thực tiễn thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng. Các khảo sát về nhu cầu sống thường khó cho kết quả chính xác vì người khảo sát thường có xu hướng kê khai cao hơn so với nhu cầu thật của họ, ngoài ra nhu cầu sống của người khảo sát có sự chênh lệch khác biệt đối với mỗi đối tượng khảo sát (nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần). Trong khi đó, các khảo sát về mức sống của người dân, hộ gia đình thường dễ xác định và đưa ra kết quả tin cậy hơn cho việc định lượng mức sống tối thiểu của một người do có thể định lượng dựa vào giá thị trường các vật dụng thiết yếu, giá các dịch vụ cơ bản như: Nhu yếu phẩm thiết yếu (ăn, uống...), dịch vụ thiết yếu (điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, nhà ở, thuê nhà ở...), dịch vụ y tế cơ bản...
Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Bên cạnh đó, sẽ quy định các tiêu chí để Hội đồng tiền lương quốc gia làm căn cứ vào đó để xác định tiền lương tối thiểu gồm:
1. Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
2. Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động.
3. Chi phí sinh hoạt.
4. Khả năng chi trả của người sử dụng lao động
5. Điều kiện kinh tế - xã hội; năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thất nghiệp của người lao động.
Được hỏi về thực tế luật cho rằng phải đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu nhưng lâu nay người lao động khó sống với mức lương tối thiểu, ông Phạm Minh Huân cho rằng, có ý kiến nêu xây dựng mức lương dựa trên nhu cầu tối thiểu để thay cho mức sống tối thiểu, nhưng cá nhân ông cho rằng căn cứ theo nhu cầu tối thiểu sẽ tốt hơn. “Thế giới người ta vẫn căn cứ theo nhu cầu.
Trong 5 thang bậc nhu cầu, bao gồm: Nhu cầu sinh lý, nhu cầu về an toàn, nhu cầu về xã hội, nhu cầu được quý trọng, nhu cầu được thể hiện mình, thế giới xây dựng dựa trên nhu cầu cơ bản đó. Theo luật hiện nay, mức lương đáp ứng đủ nhu cầu tôi nghĩ sẽ hay hơn. Có điều nhu cầu hay mức sống đều là những đại lượng luôn “chạy”, không khi nào nó dừng, ta đưa ra để nó tiệm cận dần với nhau. Việc nhu cầu “chạy” là đúng và đương nhiên lương phải chạy theo” - ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, các nội dung hiện hành trong luật, liên quan đến lương, cơ bản không có gì nổi cộm. Cơ bản nhất là các khái niệm cần làm rõ về mặt câu chữ, các khái niệm như mức lương cấp bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung... “Hiện người ta đang thắc mắc nhiều chỗ các khoản bổ sung. Đây là thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đang áp dụng cơ chế trả lương như thế, sau này có thể sẽ xem xét sửa lại chỗ này để tính tổng hợp hơn. Thang bảng lương theo hướng giao cho DN. Có điều giao cho DN có thể người ta sẽ “băm nát” thang bảng ra, bỏ 5% không quy định trong luật mà quy định trong nghị định của Chính phủ thì mức lương sẽ khít lại” - ông Huân chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, thang bảng lương, định mức lao động, cơ chế trả lương… là chính sách chung của DN, họ làm theo ý họ chứ chính phủ cũng không thể quy định chi tiết ở đây được.
Minh hoạ của ĐAN.
 
Sẽ có tác động lớn
Trên thực tế việc đưa ra các tiêu chí xây dựng mức lương tối thiểu, Bộ LĐTBXH cũng đã đưa ra hai phương án khác.
Phương án 1: Giữ nguyên chính sách hiện tại bao gồm duy trì mức lương tối thiểu được tính trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Phương án 2: Thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ yếu tố nhu cầu sống tối thiểu sang mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Phương án 3 (là phương án đưa vào dự thảo Luật): Quy định rõ các yếu tố của mức lương tối thiểu để làm cơ sở xác định lương tối thiểu, bao gồm: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động; Giá tiêu dùng; và điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc làm và thất nghiệp của người lao động.
Đánh giá tác động, theo Bộ LĐTBXH, phương án 1 chỉ đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu như đã nêu ở trên, đặc biệt là những người lao động ở khu vực đô thị vì mức lương này được xác định là quá thấp so với nhu cầu sống tối thiểu của họ. So với 3 phương án, phương án này là không có lợi nhất cho người lao động. Đồng thời cũng không mang nhiều lợi ích về BHXH.
Phương án 2, có chi phí dành cho trả lương theo phương án đề xuất tăng khoảng 52.23% so với phương án hiện tại, trong đó doanh nghiệp phải chi thêm hơn 54.148 tỉ đồng và nhà nước phải chi thêm hơn 13.738 tỉ đồng. Đây là một tỉ lệ tăng rất lớn về chi phí cho doanh nghiệp và sẽ là một gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước.
Rõ ràng phương án 3, đã được tính kỹ, có tác động tích cực nhất, đưa ra những yếu tố rõ ràng hơn về cách tính lương tối thiểu để bảo đảm công bằng cho người lao động và người sử dụng lao động.
Trao đổi với PV về đề nghị xây dựng dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho hay, về cơ bản đây mới là hồ sơ đề nghị. Các vấn đề chi tiết sẽ được bàn trong dự thảo cụ thể. Một số vấn đề đang có nhiều cách hiểu khác nhau cũng sẽ đặt ra phương án sửa. “Dự án sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3.2018, nếu được chấp thuận mới sửa” - ông Thiện nói.
Thực tế cho thấy, Bộ Luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng. Luật cũng tác động tới nhiều thành phần, tổ chức... Và cũng đồng thời quy định các quy tắc ứng xử cho các chủ thể trong tuyển dụng, sử dụng lao động.

Quảng cáo