Xuất khẩu Việt Nam tăng 2,2 lần sau 7 năm
Tính chung cả năm 2017, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương...
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm đã bằng 2,21 lần, với tốc độ tăng bình quân đạt 12%/năm.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể xúc đẩy xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 23/4/2018.
Theo đó, đánh giá về kết quả xuất khẩu năm 2017, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, tính chung cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương.
Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 155,1 tỷ USD (bao gồm cả xuất khẩu dầu thô), tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 59 tỷ USD, tăng 17,1%.
Năm 2017, có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011. Tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).
"Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là đối với nhóm hàng công nghiệp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cụ thể, năm 2017, thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỷ USD), thị trường Liên minh châu Âu (EU) chiếm 17,6%; tổng cộng 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập.
Theo đó, xuất khẩu sang thị trường các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong năm 2017 như: ASEAN tăng 24,2%, đạt 21,68 tỷ USD; Trung Quốc tăng 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD; Nhật Bản tăng 14,8%, đạt 16,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỷ USD...
Năm 2017, Bộ Công Thương đã cấp 764.052 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), với tổng trị giá 37,8 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và 24% về trị giá so với năm 2016.
Song song với đó, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Bộ trưởng lấy ví dụ như trong ngành dệt may, nếu như năm 2000 tỷ lệ nội địa hoá mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, đã đạt trên 50%.
"Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chẳng hạn như xuất khẩu chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử; hay xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu.
Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới,...), xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh hơn", Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc.
Vấn đề an toàn thực phẩm cũng được ông Trần Tuấn Anh đánh giá là tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hạt tiêu, gạo), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.
Với nông sản, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% do các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập được, điển hình là sữa, thịt lợn, rau quả.
"Một số quy định chưa được hợp lý mà doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho xuất khẩu như chính sách thuế giá trị gia tăng, chính sách thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất,…
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng chi phí của nền kinh tế còn cao (chi phí lãi suất, chi phí vận tải, mức thu các loại phí cảng còn cao ở nhiều nơi,...) làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Các tin khác
- Kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
- Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
- FDI từ Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng
- Bộ Công Thương đánh giá tình hình triển khai các dự án điện trọng điểm
- Đầu tư xây dựng chợ: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia
Quảng cáo