Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo khí thế phấn khởi, phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu ngay từ đầu năm 2019 và phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ:
1. Nắm chắc cung cầu hàng hóa, cung ứng kịp thời, nhất là các mặt hàng thiết yếu; quản lý tốt chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
- Sở Công thương theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đề xuất biện pháp cung ứng hàng hóa và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo Chỉ thị 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công thương về thực hiện các biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Hạn chế tối đa tình trạng thiếu hàng, sốt giá, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng còn gặp nhiều khó khăn.
- Ban Chỉ đạo của tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 của tỉnh) tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch 454/KH-BCĐ389 ngày 30/11/2018 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Các đơn vị trong Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác dự báo, nắm tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa; kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý.
Đồng thời tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kiên quyết không có “vùng cấm”.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát chặt chẽ giá cả các loại hàng hóa dịch vụ, nhất là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu theo Chỉ thị 06/CT-BCT ngày 24/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra việc chấp hành chủ trương kê khai, đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống thất thu, gian lận thuế; quản lý chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ tập trung giải quyết chi trả các chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán.
- UBND các huyện, thành phố nắm bắt nhu cầu của nhân dân đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để cùng với Sở Công thương và các đơn vị liên quan có giải pháp để cung ứng đủ nguồn hàng, kiểm soát chất lượng và giá cả hàng hóa tại các chợ nông thôn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và từng hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện văn minh thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; bán hàng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; báo cáo và đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các giải pháp ổn định thị trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đầu cơ, găm hàng, gây xáo trộn về giá cả, hàng hóa.
- Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động kế hoạch về dự trự tiền mặt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho thanh toán và lưu thông hàng hóa tiền tệ; chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; đảm bảo hệ thống máy rút tiền ATM/POS hoạt động an toàn, thông suốt; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Kho bạc Nhà nước tỉnh tập trung chỉ đạo công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo các khoản chi cho con người như lương, trợ cấp đối tượng chính sách; chi an ninh quốc phòng và các khoản chi cần thiết phục vụ Tết Nguyên đán hoàn thành trước ngày nghỉ Tết.
2. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khỏe nhân dân gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí, tuyên truyền
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phối với ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể ở địa phương tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, những hộ gia đình nghèo, người già cô đơn, kế không nơi nương tựa… để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, ấm áp, nghĩa tình.
- UBND các huyện, thành phố rà soát, nắm tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt quan tâm đối với người có công với cách mạng, người được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện việc trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo Công văn 5067/LĐTBXH-BTXH ngày 3/12/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ các chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội.
+ Hướng dẫn và theo dõi việc chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, nhất là tại các đơn vị sử dụng nhiều lao động; yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo chính sách tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trước dịp nghỉ Tết; chủ động có biện pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.
+ Đẩy mạnh công tác kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, xử lý kịp thời khi có tai nạn, sự cố lao động xảy ra.
+ Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
+ Thực hiện kịp thời việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, đúng quy định; kịp thời cung cấp thông tin chính thống để tạo đồng thuận xã hội, kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra tình trạng thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền gắn với các hoạt động mừng Đảng-mừng Xuân; tuyên truyền kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019); giới thiệu những thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh; Lễ hội Hoa Lư. Tổ chức triển khai các phương án đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin, đáp ứng tối đa các nhu cầu thông tin liên lạc (điện thoại, Internet…) trong dịp Tết.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh xây dựng các chuyên mục mừng Đảng-mừng Xuân phong phú, sinh động, phù hợp với đời sống xã hội, tập quán, nhu cầu thông tin của người dân trong tỉnh và ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt. Thường xuyên cập nhật thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động chăm lo Tết của tỉnh.
- Sở Văn hóa, Thể thao chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan mừng Đảng, mừng Xuân tạo khí thế vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục trong những ngày Tết; quản lý chặt chẽ các hoạt động lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính; chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc sở tổ chức trang trí tại các trục đường trung tâm, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân trong dịp Tết, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
- Sở du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; tổ chức hướng dẫn, giải đáp, tuyên truyền quảng bá thông tin du lịch Ninh Bình tới du khác. Thường xuyên cập nhật thông tin về số lượng khách đến tham quan tại tỉnh.
- Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương: Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá thuốc, giá các dịch vụ y tế, đồng thời có phương án đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, nhân lực hỗ trợ phục vụ nhân dân; chỉ đạo có hệ thống các bệnh viện trên địa bàn phải tổ chức trực liên tục 24/24h, đảm bảo công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân trước, trong và sau Tết, không để dịch bệnh xảy ra.
+ Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Thực hiện tốt chính sách thăm hỏi người bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
+ Chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc… kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chỉ thị 9644/CT-BNN-TCLN ngày 12/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 đảm bảo thiết thực, hiệu quả mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và tính giáo dục. Tập trung cao trong việc chỉ đạo triển khai hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2018-2019, đặc biệt là hoàn thành gieo cấy vụ chiêm xuân 2019 trong khung thời vụ tốt nhất (trong tháng 2/2019).
+ Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch trên cây trồng và vật nuôi, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; chủ động các phương án chống hạn năm 2019.
+ Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; thực hiện tốt công tác kiểm dịch thú y, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, cơ sở giết mổ trái phép trên địa bàn.
3. Đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị- trật tự xã hội, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ, đặc biệt là trong thời gian trước, trong và sau Tết
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các địa phương nắm chắc tình hình, có biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa các hoạt động gây mất an toàn, trị an xã hội. Chỉ đạo kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viên, trung tâm thương mại, chợ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, sang trích, nạp, bán ga, các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy.
+ Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; Quyết định 95/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và thả “đèn trời”; Luật 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo nổ; chủ động công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống phức tạp. Phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, mở rộng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên tổ chức các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát các địa phương trọng yếu, các bến xe, bến tàu, khu vực giáp ranh… bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
+ Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về pháp luật tại cộng đồng dân cư; tích cực phát hiện, phối hợp cùng với các lực lượng chức năng ngăn chặn, hạn chế nguyên nhân điều kiện làm phát sinh tội phạm, tệ nạn ở cơ sở. Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
+ Xử lý nghiêm các loại tội phạm cướp giật, lạng lách, đua xe trái phép, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo và các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; vô hiệu hóa các trang tin điện tử có nội dung phản động.
+ Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhất là những ngày trong dịp Tết; xây dựng phương án phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương để chống ùn tắc giao thông trong những ngày cao điểm.
+ Chỉ đạo công tác quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; nắm tình hình tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, các vụ vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở không để phát sinh phức tạp, hình thành các điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp; tăng cường lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân phòng tuần tra, canh gác trong dịp Tết.
- Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu quan trọng. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm an toàn các khu vực trọng điểm và an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Tổ chức thăm hỏi các gia đình có quân nhân đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Bộ CHQS tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo việc tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán (không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước) phục vụ nhân dân bảo đảm an toàn tuyệt đối.
- Ban Tiếp công dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan có kế hoạch tiếp công dân phù hợp, không để công dân khiếu nại vượt cấp, tụ tập tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trong những ngày Tết.
- Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
+ Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân; kiểm tra hệ thống biển báo; nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao thông, các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các tuyến đường, các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông và có biện pháp cảnh báo, khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố trên các tuyến quốc lộ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định.
+ Chỉ đạo việc tăng cường phối hợp giữa Thanh tra Giao thông và Công an tỉnh về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; bảo đảm trật tự, an toàn tại các bến xe, nhà ga, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiểm tra các công trình giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sông, đường sắt để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông, có kế hoạch xử lý ùn tắc giao thông; không để đêm 30 Tết còn hành khách nhỡ tàu, xe.
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về an toàn lao động và môi trường, có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, bảo đảm cho phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông do việc thi công công trình, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là công trình vừa thi công vừa khai thác.
- Ban An toàn giao thông tỉnh: Phát động đợt tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông, hành vi đua xe trái phép; phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp hạn chế tối đa các tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán.
- Các ngành Viễn thông, Điện lực, các Công ty cấp nước trên địa bàn tỉnh có kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; cung ứng đủ điện, nước liên tục, an toàn và ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Bố trí trực ban thường xuyên để kịp thời xử lý các sự cố bất thường có thể xảy ra.
- UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh môi trường, nhất là các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, khu vực Chợ hoa Xuân trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tổ chức việc thu gom rác, phế thải tồn đọng, vận chuyển rác tại các khu dân cư, đường phố, điểm công cộng phát động nhân dân làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường phố, thôn, xóm sạch đẹp để vui Xuân- đón Tết.
4. Tổ chức tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả thiết thực; tăng cường việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính.
- Tổ chức tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 với yêu cầu tổ chức nội bộ, thiết thực, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong việc chi tiêu công.
- Các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh không dùng phương tiện, tiền công tổ chức du xuân; không tổ chức chúc Tết tại cơ quan, tổ chức đi thăm, tặng quà cấp trên. Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Cán bộ, công chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.
- Các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực, lịch làm việc trong dịp Tết, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý các tình huống phát sinh không để công việc ùn tắc, trì trệ.
- Tăng cường quản lý chi ngân sách theo đúng quy định về tiêu chuẩn chế độ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết năm; bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.
- Ngay khi hết hạn thời gian nghỉ Tết, các sở, ban, ngành, UBND các HĐND, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh phải nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công việc, học tập… trở lại bình thường.
- Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Bình và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tập trung thông tin tình hình khai trương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, người lao động những ngày sau Tết.
- Sở Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra giờ giấc, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, người lao động các cơ quan hành chính Nhà nước trong những ngày cận Tết và sau khi nghỉ Tết; xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị lơ là công việc, thiếu giám sát giờ giấc, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động.
- Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội…
- Các đơn vị có kế hoạch phân công cán bộ trực trong những ngày nghỉ Tết; tổ chức kiểm tra, phòng, chống cháy nổ trong cơ quan. Vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về cấm vận chuyển, tàng trữ các loại pháo nổ, đảm bảo trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông.
- Tổ chức làm vệ sinh cơ quan, các công trình công cộng, đường phố, đường làng, ngõ xóm; trang trí và treo cờ Tổ quốc trong những ngày nghỉ Tết.
- Vận động nhân dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau những ngày nghỉ Tết để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019.
5. Tổ chức thực hiện
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2019 đã được Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra ngay từ những ngày đầu tháng, đầu năm của năm 2019; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn cung ứng hàng hóa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 21-CT/T.W ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019.
- Các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội… Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo… Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08- QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung ngay vào công việc, không để chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo thẩm quyền và trách nhiệm, tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/1/2019; phân công cán bộ lãnh đạo trực trong các ngày nghỉ Tết, báo cáo danh sách lãnh đạo trực Tết với cấp có thẩm quyền quản lý trước ngày 28/1/2019 (23/12 âm lịch); báo cáo tình hình Tết trước ngày 8/2/2019 (tức mồng 4 Tết) để UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đề nghị ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể của tỉnh tăng cường phối hợp để tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019 với tinh thần vui tươi, lành mạnh, chu đáo, an toàn và tiết kiệm.