Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình. Cùng với các chính sách của Trung ương, các bộ, ngành thì Ninh Bình cũng có nhiều chính sách để thu hút đầu tư và khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong đó phải kể đến chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình. Cùng với các chính sách của Trung ương, các bộ, ngành thì Ninh Bình cũng có nhiều chính sách để thu hút đầu tư và khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong đó phải kể đến chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
 
Tập đoàn Thành Công có nhân sự trực tiếp là hơn 5.400 người, tăng 40% so với năm 2017. Tập đoàn được xếp hạng 21/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Công ty cổ phần Hyundai Thành Công (trực thuộc Tập đoàn) cũng được xếp hạng 30/500 doanh nghiệp lớp nhất Việt Nam. 
 
Với sự phát triển nhanh chóng của Tập đoàn, năm 2018 Tập đoàn Thành Công đã đóng góp 7.408 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước tỉnh, tăng 74% so với năm 2017. 
 
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Hyundai Thành Công (Công ty cổ phần Hyundai Thành Công cho biết: Để chuẩn bị cho sự phát triển mở rộng các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, nhất là 2 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Tập đoàn Thành Công, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm tới việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự. 
 
Trước mắt Nhà máy đã phối hợp với các trường Đại học trong nước để tuyển đội ngũ kỹ sư là các sinh viên giỏi vào làm việc. Đối với đội ngũ công nhân, Nhà máy sẽ tự đào tạo và tuyển lao động phổ thông ở địa phương. 
 
Bên cạnh đó, Nhà máy cũng đã liên kết với một số trường đại học ở khu vực như Đại học Bách Khoa, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghiệp Hà Nội... để đào tạo các ngành theo yêu cầu và nhận học sinh ở các trường nghề về nhà máy thực tập. Trong tương lai, Tập đoàn Thành Công sẽ xây dựng trường nghề để đào tạo lao động theo đúng yêu cầu của Tập đoàn.

Có thể thấy, đây là một hướng đi hoàn toàn phù hợp của Tập đoàn Thành Công trong điều kiện ngành công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ. Ngoài Tập đoàn Thành Công, hiện toàn tỉnh đã có 6 dự án công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động. Như vậy, số lượng lao động chất lượng cao là rất lớn, đòi hỏi phải có một chiến lược cụ thể trong công tác tuyển dụng và đào tạo.

Thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp với cơ sở dạy nghề đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. 

Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.250 lao động (đạt 103% kế hoạch năm), trong đó: Đào tạo nghề dài hạn trình độ trung cấp, cao đẳng nghề là 4.710 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 12.540 người; 39 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, trong năm 2018, đã tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm với 382 lượt đơn vị tham gia với 58.745 lượt chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, trong đó tuyển lao động là 28.668 người, tuyển sinh 12.065 người, tuyển lao động xuất khẩu 18.012 người. Đã thực hiện tư vấn cho 14.510 người, giới thiệu việc làm cho 1.200 người, trong đó có 393 người được tuyển dụng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài với tổng số lao động là 580 người. Tính đến hết năm 2018, ngành chức năng đã cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài là 175 người, cấp lại giấy phép lao động cho 109 người, xác nhận cho lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động 8 người.

Để thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ, Ninh Bình đã có quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu du lịch, lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 

Trong đó, đối với đào tạo nghề hỗ trợ tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khoá đào tạo (là những người có hợp đồng với đơn vị đào tạo, có hợp đồng lao động từ 2 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo luật định).

Tại Quyết định 20/2018/QĐ-UBND về quy chế quản lý và thực hiện Chương trình công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng nêu rõ, mức hỗ trợ tối đa 70% áp dụng trong việc hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Có thể nói, chuẩn bị một đội ngũ lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư là một mắt xích quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình. 

Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề; các cơ sở dạy nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học mới và nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để định hướng dạy nghề cho phù hợp. 

Đồng thời tuyên truyền dạy nghề và học nghề nhằm khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp.

                                                                                                                                                      Báo Ninh Bình

Quảng cáo