Ninh Bình hiện có 75 làng nghề với các sản phẩm làng nghề độc đáo, đa dạng. Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưu thích lựa chọn như: thịt dê, cơm cháy, mắm tép, rượu Kim Sơn... Các sản phẩm này chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu của địa phương, mang đậm yếu tố truyền thống. Cùng với đó, Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy, hải sản...
Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và PTNT, Ninh Bình hiện có trên 33 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm: Nhóm thực phẩm (18 sản phẩm); nhóm đồ uống (2 sản phẩm); nhóm thảo dược (2 sản phẩm); nhóm vải, may mặc (2 sản phẩm); nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí (5 sản phẩm); nhóm dịch vụ du lịch nông thôn (gồm 4 hoạt động: lữ hành, lưu trú, ăn uống, bán đồ lưu niệm).
Trong đó đã có 13 sản phẩm đăng ký công bố chất lượng; 11 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Kết quả này cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể, thống nhất, đồng bộ.
Với những lợi thế có được của các sản phẩm, dịch vụ, đồng thời áp dụng những phương pháp khoa học công nghệ vào sản xuất, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Ninh Bình hoàn toàn có thể phát triển kinh tế theo hướng nội sinh phấn đấu nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu. Qua đó, đảm bảo chương trình vận động tự giác, hiệu quả trở thành một phong trào thi đua khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.
Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Khác với nhiều tỉnh, thành phố khác của cả nước đã phê duyệt đề án theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương là “mỗi xã một sản phẩm”, Ninh Bình có cách làm khác đó là mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, không nhất thiết mỗi xã phải có một sản phẩm. Bởi vì trên thực tế sẽ có xã không có sản phẩm ưu thế và cũng có xã sẽ có nhiều hơn 1 sản phẩm đặc trưng, có lợi thế có khả năng phát triển.
Ngay sau khi Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020 được phê duyệt, tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý từ tỉnh, huyện, xã và sự hiểu biết của cộng đồng về chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh phối kết hợp chặt chẽ trong việc triển khai hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm được lựa chọn. Tỉnh còn mời các chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực OCOP khảo sát, đánh giá các đơn vị đăng ký và tư vấn về việc tổ chức triển khai thực hiện; áp dụng đồng bộ, thống nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất được lựa chọn.
Thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh, Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Trung du miền núi phía Bắc - Thái Nguyên 2018.
Căn cứ thực trạng, tiềm năng phát triển và nhu cầu thực tế, trong năm 2018-2019 Ninh Bình đã chọn và tập trung chuẩn hóa, phát triển 9 sản phẩm OCOP thuộc 6 nhóm có lợi thế gồm: Cơm cháy của DNTN Linh Phương, thành phố Tam Điệp; cơm cháy của Công ty cổ phần sinh hóa Ninh Bình, thành phố Ninh Bình; rau an toàn của HTX rau an toàn Khánh Thành, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh; rượu Kim Sơn của Công ty TNHH Nga Hải, huyện Kim Sơn; tinh bột nghệ của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp; sản phẩm thêu ren truyền thống của Công ty TNHH thêu Minh Trang, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; sản phẩm từ nguyên liệu cói, bèo bồng của Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh; gốm của Công ty TNHH Bảo tổn và Phát triển gốm Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô; điểm du lịch cộng đồng của HTX nông sản và du lịch Tam Điệp tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp.
Cùng với sự tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất có sản phẩm đặc trưng của địa phương được lựa chọn để xây dựng trở thành sản phẩm OCOP đều tích cực triển khai thực hiện các bước theo yêu cầu, quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tiêu biểu, HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, thành phố Tam Điệp hiện có 10 sản phẩm. Trong đó tinh bột nghệ là sản phẩm có sản lượng sản xuất và tiêu thụ lớn, được thị trường tin dùng trong nhiều năm qua. Chất lượng đảm bảo nên sản phẩm đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Điều quan trọng hơn là HTX có được vùng nguyên liệu hơn chục ha. Đây là điều kiện thuận lợi khi sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP. Ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết: “Bắt đầu từ cuối năm 2018, được sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn, HTX tập trung phát triển sản phẩm tinh bột nghệ thành sản phẩm OCOP. HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất.
Các quy trình từ vùng nguyên liệu cho đến sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm của HTX đang từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu. Hy vọng khi tham gia OCOP, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX sẽ xây dựng được thương hiệu riêng, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá trị sẽ được nâng lên”.
Trải qua 23 năm phát triển, sản phẩm từ nguyên liệu cói, bèo bồng của Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa đã khẳng định là sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ngày càng phát triển với doanh thu bình quân đạt 28-32 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, trong năm 2018 có sự phát triển vượt bậc của Công ty với doanh thu đạt hơn 48 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2,2 tỷ đồng. Công ty đang giải quyết việc làm cho 82 lao động địa phương, trong đó 42 lao động thường xuyên và 40 lao động thời vụ với mức lương bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động vệ tinh trong lúc nông nhàn.
Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa cho biết: Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng sản phẩm của Công ty chưa hoàn thiện hết các hồ sơ, thủ tục theo tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động xuất khẩu chủ yếu xuất qua trung gian, chưa thực hiện xuất khẩu trực tiếp nên giá trị thực sự không cao. Được chọn là một trong chín sản phẩm thực hiện chương trình OCOP, Công ty đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, quan tâm đầu tư nâng cấp kho tàng, văn phòng và máy móc thiết bị hiện đại phục vụ trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, Công ty đang tiến hành xây dựng và đăng ký nhãn hiệu phù hợp với Cục Sở hữu trí tuệ; tiếp tục chú trọng công tác cải tiến mẫu mã phù hợp với xu hướng và thị hiếu của khách hàng. Khi sản phẩm đáp ứng các tiêu chí OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Công ty tìm kiếm các bạn hàng và ký kết các đơn hàng xuất trực tiếp.
Báo Ninh Bình