Định hướng và một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia, là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp các linh kiện, phụ tùng và các qui trình xử lý kỹ thuật. CNHT phát triển tạo điều kiện cho các nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, cùng với thực trạng chung của cả nước, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh vẫn cần được quan tâm đúng mức để phát triển.
Định hướng và một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình |
|
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia, là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp các linh kiện, phụ tùng và các qui trình xử lý kỹ thuật. CNHT phát triển tạo điều kiện cho các nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, cùng với thực trạng chung của cả nước, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh vẫn cần được quan tâm đúng mức để phát triển.
Xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển CNHT, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Đối với tỉnh Ninh Bình, những năm qua, phát triển công nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đã tập trung ưu tiên, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là các dự án sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao, hiện đại, mang lại giá trị lớn. Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đi đôi với ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn với các sản phẩm chủ lực khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như sản xuất lắp ráp ô tô công suất 40.000 chiếc; ximăng-clanke sản lượng sản xuất trên 11 triệu tấn/năm, giầy dép - sản lượng đạt trên 20 triệu sản phẩm/năm, dự kiến đến năm 2020 đạt 100 triệu sản phẩm/năm; Camera modul và linh kiện điện tử công suất 100 - 150 triệu sản phẩm /năm,… đã góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (tính theo giá so sánh 2010) đạt gần 40.300 tỷ đồng, tăng 25,05% so với thực hiện năm 2016 và đạt 109% kế hoạch năm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị lớn như: Ô tô ước đạt 17.038 chiếc, gấp hơn 2,4 lần; modul camera ước đạt 74,6 triệu sản phẩm, tăng 43,1%; phân đạm ước đạt 287,6 nghìn tấn, tăng 88%, kính nổi ước đạt 57,2 nghìn tấn, tăng 30,2%, linh kiện điện tử ước đạt 310,7 triệu sản phẩm, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước…
Cùng với sự quan tâm phát triển công nghiệp nói chung, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm tới phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc triển khai các cơ chế chính sách của nhà nước, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển CNHT theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về Phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời triển khai thực hiện Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30/12/2015 của Bộ Công Thương Quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Với nỗ lực đó, đến nay ngành CNHT trên địa bàn tỉnh mặc dù còn khiêm tốn nhưng từng bước đã được định hình ở một số lĩnh vực như công nghiệp điện tử, may mặc, sản xuất lắp ráp ô tô. Đối với CNHT cho ngành công nghiệp điện tử đã có sản phẩm camera modul, dây tai nghe điện thoại, bản dẫn vi mạch, kính máy ảnh; CNHT cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có sản phẩm cần gạt nước, sắp tới sẽ có ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả. Đối với các ngành khác đã có các sản phẩm như sợi, mũ giày, đế giày, con lăn, máy nghiền, băng tải… Tuy nhiên, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chưa cao, qui mô sản xuất nhỏ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá thành cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có nhu cầu khá lớn thuộc các lĩnh vực lắp ráp, dệt, may, điện tử tin học… là những ngành đã phát triển khá mạnh của tỉnh Ninh Bình. Hầu hết các máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xi măng + clanke, may mặc, giày dép, điện điện tử trên địa bàn tỉnh chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc được cung cấp từ các nhà máy sản xuất ngoài tỉnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong điều kiện quy mô hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh còn nhỏ, nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên việc hỗ trợ, ưu đãi ngành CNHT mới chủ yếu được thực hiện thông qua các chính sách, chương trình lồng ghép như chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, các chương trình khuyến công, xúc tiến đầu tư, thương mại và sự nghiệp khoa học,...
Trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo để đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 16%/năm (giai đoạn 2016-2020) như nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khoá XXI thì ngành công nghiệp của Ninh Bình cần tiếp tục phát huy những lợi thế hiện có để duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng theo đúng quy hoạch, đảm bảo hài hoà giữa phát triển công nghiệp và phát triển du lịch; đồng thời cần đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước và tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện nhiệm vụ đó, tỉnh Ninh Bình định hướng tập trung vào phát triển sản xuất một số sản phẩm CNHT cho sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép… Trước mắt tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho cho dự án sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm CNHT cho công nghiệp sản xuất ô tô. Bởi lẽ hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (công suất 40.000 xe ô tô /năm) chủ yếu là lắp ráp, một số dòng sản phẩm có công đoạn được sản xuất trong nước nhưng mới dừng lại ở gò hàn, sơn và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm. Các sản phẩm CNHT trong nước có thể cung cấp được cho nhà máy này chủ yếu là săm, lốp, dây điện, sơn và một số đồ nhựa nội thất; các bộ phận chính như động cơ và chi tiết động cơ, hệ thống truyền lực xe, khung thân vỏ, cửa xe (các chi tiết dạng tấm đột dập, sắt xi), hệ thống phanh,.. đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Công ty CP Tập đoàn Thành Công đã tích cực xúc tiến hợp tác với Hyundai Motor Company để hợp tác đầu tư dự án mới tổ hợp sản xuất công nghiệp ô tô có quy mô 10.000 tỷ đồng gồm sản xuất lắp ráp xe du lịch, xe khách, xe buýt, khu sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô,... với công suất đến năm 2021 đạt sản lượng 120.000 xe/năm. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với quan điểm, chiến lược, mục tiêu, định hướng của Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình xác định tập trung hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất lắp ráp ô tô với mục đích phục vụ nhu cầu trực tiếp của các doanh nghiệp trong nước, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, đồng thời tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hoạt động xuất khẩu.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh theo định hướng nêu trên, trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh; đồng thời xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương sau khi Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư (nhất là các nhà đầu tư FDI) vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp trong đó có công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục có cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, mở rộng liên kết đào tạo trong nước với đào tạo nước ngoài. Khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng sự liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TS. Trần Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở Công Thương
|
Các tin khác
- Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ tại Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ -Micco
- Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm và việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương
- Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm và việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương
- Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất năm 2023
- PHIÊN CHỢ HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN TẠI THỊ TRẤN BÌNH MINH - HUYỆN KIM SƠN
Quảng cáo