Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp
Sáng ngày 1/7/2019, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức buổi “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp”. Đối thoại được diễn ra trong bối cảnh ý nghĩa khi hai Hiệp định quan trọng này vừa được ký kết ngày 30/6/2019.Tham dự Đối thoại có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đồng chí đại diện đến từ các Bộ, ngành, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam.
Đối thoại là cơ hội tốt để các cơ quan Nhà nước và hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về Hiệp định, xác định các cơ hội để có sự chuẩn bị tích cực và tốt nhất nhằm tận dụng tốt đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Đối với Hiệp định EVFTA và EVIPA, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU – một FTA với tiêu chuẩn cao. "Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).
Tuy nhiên, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa, Hiệp định EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh khẳng định, các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ... chính là cơ sở để Việt Nam tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0. Khi đó, các cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư – kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp và nhà đầu tư của EU, được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Theo các tính toán của chuyên gia Việt Nam, nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện ngay có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và từ 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn năm 2029 đến 2033. Song song với tăng trưởng kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm. Về phía EU, theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%. Đó là chưa kể các lợi ích khác đến từ các lĩnh vực dịch vụ, mua sắm của Chính phủ...
Cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.
Phát biểu tại Đối thoại, Cao ủy Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom nhấn mạnh, đây là bước đi quan trọng và đúng hướng giúp nhiều người thoát khỏi nghèo đói, thúc đẩy đầu tư, mang lại công ăn việc làm không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho thế hệ mai sau. EVFTA và EVIPA thực sự là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Và nếu Việt Nam tận dụng được một cách hiệu quả thì Hiệp định này sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.
Bộ công thương
- Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ tại Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ -Micco
- Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm và việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương
- Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm và việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương
- Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất năm 2023
- PHIÊN CHỢ HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN TẠI THỊ TRẤN BÌNH MINH - HUYỆN KIM SƠN