Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu
Sáng ngày 23/4/2018, Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và đông đảo đại diện các Bộ, ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp tập trung trao đổi, đánh giá kết quả xuất nhập khẩu năm 2017, chỉ rõ những mặt được, chưa được; nhận định bối cảnh trong nước và quốc tế có tác động đến xuất khẩu năm 2018; nhận diện những cơ hội, thách thức, những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, xuất khẩu. Trên cơ sở đó, xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển xuất khẩu của từng Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để triển khai thống nhất, hiệu quả trong năm 2018.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là một Hội nghị quan trọng vì lâu rồi chúng ta chưa có một Hội nghị toàn quốc để bàn về các giải pháp căn cơ hơn, tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu. Thủ tướng khẳng định, không có nước nào trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao mà không có xuất khẩu. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, nhìn vào thị trường toàn cầu để thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng đánh giá, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, kinh doanh của mình. Thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu nhìn chung có cải thiện hơn trước, tiến tới một cửa Asean. Song, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thủ tục hành chính cần phải hội nhập quốc tế và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng nêu 5 vấn đề đề đại diện các Bộ, ngành và các doanh nghiệp, Hiệp hội tham khảo và suy nghĩ: Một là, làm sao để có thể tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là, chỉ ra và loại bỏ những nút thắt trong xuất khẩu; tìm hiểu có bao nhiêu rào cản. phải đưa ra sáng kiến vì các đồng chí sát thực tế hơn. Ba là, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, dự báo những cơ hội, rủi ro. Thủ tướng đặt ra câu hỏi: các cơ quan ngoại giao cần làm gì, vai trò của tham tán thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… trong bối cảnh hiện nay ra sao để tăng cường tính chủ động. Bốn là, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho phát triển hàng hóa như thế nào khi đã có lợi thế từ các Hiệp định FTA. Năm là, đề xuất những chiến lược quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu có hệ thống hơn, bài bản hơn.
Thủ tướng chỉ đạo, các đại biểu tham dự Hội nghị nêu ý kiến đúng, trúng vào những vấn đề cốt lõi nhất của xuất khẩu hiện nay, nêu rõ vướng mắc gì về thuế, hải quan, thị trường, mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm…. Theo đó, phải phát biểu thẳng thắn, nói lên những kiềm chế của các mặt hàng, tập trung vào những giải pháp, không kể nhiều tình hình… Thủ tướng khẳng định rất muốn nghe những ý kiến tâm huyết của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cụ thể, những khó khăn, tồn tại, những giải pháp tăng nhanh xuất khẩu nhưng phải bền vững. Theo Thủ tướng, Hội nghị phải kết thúc với sự tâm huyết chứ đây không phải Hội nghị “lấy lệ”.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu hàng hóa năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xuất khẩu tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8%). Tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Nếu như năm 2000 tỷ lệ nội địa hoá trong ngành dệt may mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 50%.
Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ, sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).
Nhóm hàng nông sản, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%,...
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.
Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập được thực hiện có hiệu quả. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 31,1%, sang thị trường ASEAN tăng 24,3%, sang thị trường Nhật Bản tăng 14,2%... Ngoài ra, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đều được giữ vững, hoặc thậm chí có mức tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%.
Năm 2018, xuất khẩu tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan. Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng tiếp tục có thuận lợi từ những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của xuất khẩu hiện nay là sự dịch chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long,…). Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu...
Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2017; năng lực sản xuất và khả năng xuất khẩu năm 2018; đồng thời đề xuất giải pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức 2 buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng (nhóm nông, thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến) ngay trong tháng 4 năm 2018 để nắm bắt tình hình sản xuất - xuất khẩu, khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Trên cơ sở các giải pháp, định hướng lớn của Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp; nhận định bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2018, đặc biệt là những hạn chế cần khắc phục trong hoạt động xuất khẩu, tại báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày tại Hội nghị, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018. Các giải pháp này được chia thành 3 nhóm lớn, bao gồm:
(i) Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: gồm các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
(ii) Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: gồm các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.
(iii) Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: gồm các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần làm tốt hơn tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu; cấp C/O cần nhanh hơn, hiện đại hơn; quy trình phải rõ ràng, thuận lợi; cải cách thủ tục cần mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, động lực của phát triển là cạnh tranh. Vấn đề giảm chi phí ở mọi khâu để tăng tính cạnh tranh là cơ bản vì chi phí vốn, thủ tục còn quá lớn. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất trong nước đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý trước khi đặt vấn đề quy hoạch sản xuất phải đặt vấn đề thị trường lên trên.
Thủ tướng đánh giá, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã có công rất lớn trong việc 2 năm liền giúp Việt Nam xuất siêu, đặc biệt, năm 2017 xuất khẩu đạt 214 tỷ USD. Thủ tướng tin tưởng xuất khẩu của nước ta năm 2018 sẽ có con số mới, tích cực hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế VIệt Nam ngày càng phát triển hơn nữa.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, trao đổi tại Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay sau Hội nghị này và để các bộ, ngành bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện.
- Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ tại Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ -Micco
- Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm và việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương
- Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm và việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương
- Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất năm 2023
- PHIÊN CHỢ HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN TẠI THỊ TRẤN BÌNH MINH - HUYỆN KIM SƠN