Nghị định nêu rõ, để trở thành thành viên của tổ hợp tác, các thành viên phải đáp ứng các điều kiện sau: Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật dân sự, quy định của Bộ luật lao động và pháp luật khác có liên quan; Tổ chức là pháp nhân Việt Nam, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có năng lực pháp luật phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của tổ hợp tác; Tự nguyện gia nhập và chấp thuận nội dung hợp đồng hợp tác; Cam kết đóng góp tài sản, công sức theo quy định của hợp đồng hợp tác; Điều kiện khác theo quy định của hợp đồng hợp tác.
Ngoài ra Nghị định mới có một số thay đổi quy định về hợp đồng hợp tác cụ thể:
Hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận, được lập thành văn bản, có chữ ký của 100% thành viên tổ hợp tác.
Nội dung hợp đồng hợp tác không được trái với quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm các nội dung: Mục đích, thời hạn hợp tác; họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân; tài sản đóng góp (nếu có); đóng góp bằng sức lao động (nếu có); phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp đồng hợp tác; quyền, nghĩa vụ của người đại diện (nếu có); điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên (nếu có); điều kiện chấm dứt hợp đồng.
So với hiện hành, bổ sung các nội dung: đóng góp bằng sức lao động (nếu có); tên, trụ sở của pháp nhân;... vào hợp đồng hợp tác.Bên cạnh đó, quy định về thời gian của hợp đồng hợp tác như sau: Thời gian hợp đồng hợp tác là thời gian các thành viên tổ hợp tác thỏa thuận hợp tác với nhau và ghi trong hợp đồng hợp tác.Thời hạn hợp tác được xác định theo quy định từ Điều 144 đến Điều 148 Bộ luật Dân sự 2015.Trường hợp các bên không thỏa thuận thời hạn hợp tác thì thời hạn hợp tác kết thúc khi chấm dứt hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 512 Bộ luật Dân sự 2015.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2019 và thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP. Xem chi tiết tại đây.
Phạm Mỹ Linh - Phòng Xúc tiến thuong mại