Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

 Xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, bức thiết để đảm bảo an sinh xã hội. Với tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách nhanh chóng, bền vững, với quyết tâm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau.

Bà Đinh Thị Nhi là một trong những hộ mới thoát nghèo của xã Thượng Hòa (Nho Quan) trong năm 2018. Vậy nhưng, khi được thông tin về buổi tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại huyện Nho Quan vừa qua, bà Nhi vẫn vượt chặng đường xa để về tham dự. “Tôi thoát được nghèo cũng là nhờ những kiến thức, thông tin thu nhận được sau khi tham gia vào các buổi đối thoại với các ngành chức năng được tổ chức những năm trước đây. Tại các buổi tiếp xúc, được gặp gỡ trực tiếp đại diện một số ngành chức năng, tôi đã bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về hướng hỗ trợ để thoát nghèo. Cái tôi thiếu, đó là kiến thức, là vốn. Vì vậy, tôi đã được tham khảo các mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh gia đình, đồng thời được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi. Tôi quyết định dùng 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi để chăn nuôi gà, lợn. Ngoài ra, tôi cũng được tư vấn cách nuôi khoa học, phòng chống dịch bệnh kịp thời… nên việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, giúp gia đình tôi thoát nghèo”- bà Nhi phấn khởi nói. Và năm nay, bà Nhi vẫn tới buổi đối thoại để bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục được tạo điều kiện hỗ trợ về vốn cho những hộ mới thoát nghèo như gia đình bà để mở rộng quy mô chuồng trại, hướng tới giảm nghèo bền vững.Cũng như bà Nhi, tại buổi tiếp xúc với hộ nghèo do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại các địa phương vừa qua, nhiều người nghèo đã tham dự và bày tỏ nhiều ý kiến, mong mỏi. Trong đó, tập trung nhiều vào các nội dung như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh, mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để sản xuất, giảm lãi suất vay vốn, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, chính sách hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám, chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH... Với mỗi câu hỏi cụ thể, đều đã được đại diện các cơ quan, ban, ngành chức năng trả lời rõ ràng, thỏa đáng. Không những được cung cấp những thông tin cần thiết, mà qua các buổi đối thoại, các hộ nghèo đều cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các ngành chức năng đối với hoàn cảnh của mỗi người. Mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh, một lý do để khó thoát được nghèo, nhưng điều dễ thấy nhất ở họ là có chung hy vọng có tương lai tốt hơn từ sự tự lực của gia đình cùng sự trợ giúp của cộng đồng.Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo là một hoạt động được tỉnh ta thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, các cuộc tiếp xúc quy mô lớn thường được tổ chức trước khi diễn ra các cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm với mục đích hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo… qua đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, trọng tâm. Qua phân tích số liệu rà soát kết hợp với các buổi đối thoại tiếp xúc trực tiếp cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là hộ có người ốm đau nặng dài ngày, do thiếu lao động, thiếu vốn, phương tiện sản xuất; do chây lười lao động; do các nguyên nhân khác... Cũng từ các buổi tiếp xúc này, các ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Các kết quả sau những cuộc đối thoại này được sử dụng cho việc lập kế hoạch và giám sát các hoạt động can thiệp trong giảm nghèo.

Linh hoạt thực hiện các chính sách giảm nghèo

Cùng với việc thường xuyên đối thoại với người nghèo, nét nổi bật trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua phải kể đến sự linh hoạt, sáng tạo của tỉnh trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhất là áp dụng cho các địa phương thuộc diện 135 và bãi ngang.

Theo đó, căn cứ thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND “Về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phương tiện nghe-xem thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/4/2018. Mục tiêu của Nghị quyết là thay thế cách hỗ trợ dàn trải bằng phương pháp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, thực sự tạo đà cho người nghèo vươn lên với mục tiêu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2,5% đối với các xã 135.

Theo Nghị quyết, công tác hỗ trợ hộ nghèo thuộc các xã 135 đã có sự thay đổi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo tại các xã 135 sẽ được phân hóa thành các đối tượng cụ thể như đối tượng nghèo thuộc diện bảo trợ, hộ nghèo có lao động… để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đối với hộ nghèo có lao động, nếu có quyết tâm và mạnh dạn cam kết vươn lên thoát nghèo thì được nhận hỗ trợ từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế với mức hỗ trợ cụ thể là một con bò sinh sản, hoặc máy nông cụ để phát triển sản xuất.. tổng mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ. Đối với việc hỗ trợ trâu, bò sinh sản, nếu như ở một số tỉnh khác việc hỗ trợ được thực hiện 50/50, nghĩa là đối tượng nhận hỗ trợ phải hoàn trả bò sau khi bò sinh sản thì ở tỉnh ta, sự hỗ trợ này là tuyệt đối, đối tượng không phải hoàn trả lại trâu, bò. Đối với những hộ nghèo không có sức khỏe, không có nhân lực lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ Dự án đa dạng con nuôi phù hợp... với mục tiêu hỗ trợ người nghèo cải thiện cuộc sống.

Cũng với cách làm tương tự, các xã bãi ngang vùng ven biển Kim Sơn cũng đang nỗ lực tận dụng cơ hội này để thoát nghèo hiệu quả. Xã Kim Trung là một trong các xã bãi ngang có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế của huyện Kim Sơn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 11%. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xã Kim Trung đã lựa chọn 58 hộ nghèo, cận nghèo để tham gia Dự án hỗ trợ sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững của các xã bãi ngang. Thực hiện chương trình này, xã Kim Trung đã xây dựng 3 dự án, đó là: dự án nuôi tôm thẻ bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học; Nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh theo hướng an toàn sinh học và hỗ trợ mô hình nuôi cua biển bán thâm canh với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Những hộ tham gia vào dự án đều quyết tâm thoát nghèo. Khi tham gia thực hiện dự án này, ngoài việc các hộ được hỗ trợ một phần mua giống, thức ăn, các hộ còn được tham gia tập huấn và chuyển giao KHKT; được các cán bộ của Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật… tạo niềm tin, động lực để người nghèo vươn lên.Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, tin tưởng rằng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả hơn nữa với mục tiêu trước mắt giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,05% vào cuối năm 2019.

                                                                                  Báo Ninh Bình

Quảng cáo