Đến dự Hội nghị, có đồng chí Đinh Tiến Dũng, UV BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UV BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTVTU, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố; các tập thể, cá nhân tiêu biểu, các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong xây dựng Nông thôn mới.
Mở đầu chương trình đồng chí Tống Quang Thìn, UV BTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tổng kết xây dựng Nông thôn mới trong đó nêu bật được những thành tựu đạt được của tỉnh trong 10 năm qua. Các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hệ thống cơ chế chính sách được ban hành tương đối đồng bộ, phù hợp, huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng Nông thôn mới, tạo sự đồng thuận, huy động được đông đảo các lực lượng tham gia.Đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 86% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020; đặc biệt đã có ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh và thành phố Tam Điệp (đạt 100% mục tiêu đề ra).
Trong 10 năm, tỉnh Ninh Bình đã huy động được trên 34.460 tỷ đồng; trong đó vốn từ nhân dân đóng góp chiếm gần 30%. Rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất và ngày công lao động để xây dựng Nông thôn mới.Hệ thống trường học, cơ sở y tế, các trung tâm văn hóa thể thao được đầu tư xây mới, nâng cấp làm nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, văn hóa cho người dân nông thôn.Công trình xử lý rác thải, nước thải được quan tâm đầu tư, góp phần giữ gìn và cải thiện môi trường nông thôn. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, đời sống vật chất của người nông dân được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Điểm mới trong xây dựng Nông thôn mới ở Ninh Bình là xây dựng tiêu chí thứ 20 của chương trình, lấy sự hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Tiêu chí này đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Góp phần vào thành công trên, thời gian qua Sở Công Thương đã bám sát vào hướng dẫn của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn). Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và đáp ứng đủ điện phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. 100% số xã trên địa bàn tỉnh được sử dụng lưới điện quốc gia. Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: Trong 9 năm toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng nâng cấp 29 chợ nông thôn với nguồn kinh phí 146,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn huy động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó hệ thống các cửa hàng tiện ích dịch vụ tổng hợp hiện nay đang phát triển rộng rãi ở các xã góp phần đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ nhân dân.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được tham quan các gian hàng triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghiệp tiêu biểu của tỉnh bao gồm 12 gian hàng trong đó Sở Công Thương tham gia trưng bày các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh cụ thể như: Sản phẩm gốm sứ Bồ Bát, sản phẩm cói bèo Kim Sơn, sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân, sản phẩm gốm sành Nho Quan…
Tại lễ tổng kết, đã có ba tập thể đã được nhận Cờ thi đua xuất sắc; 62 tập thể, 81 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình về những thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Phạm Minh Ngọc – Phòng Quản lý công nghiệp