Đạm Ninh Bình nỗ lực vượt khó
Chiều ngày 21/02 (tức Mùng 6 Tết Mậu Tuất), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương đã đến thăm hỏi, động viên và chúc tết các cán bộ, người lao động Công ty TNHH Đạm Ninh Bình nhân dịp xuân Mậu Tuất.
Người lao động là vốn quý
Bộ trưởng bày tỏ niềm vui và sự xúc động khi chứng kiến thái độ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỷ luật tại Công ty TNHH Đạm Ninh Bình, một không khí đầy hăng say, nhiệt huyết ngay từ Lãnh đạo đứng đầu đến những người lao động trực tiếp đang điều khiển, vận hành hệ thống máy móc, đóng gói sản phẩm.
Trước khi làm việc trực tiếp cùng Lãnh đạo Công ty, Bộ trưởng đã đến thăm hỏi, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, người lao động đang trực tiếp làm việc. Những câu hỏi liên quan đến công việc, thu nhập, đến đời sống... rất đỗi gần gũi thể hiện sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc của Bộ trưởng đối với những người lao động tại một Công ty đang phải gồng mình vượt qua vô vàn khó khăn như Đạm Ninh Bình.
Bộ trưởng ân cần trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Phượng (Phân xưởng phân ly không khí): Em đi làm có thấy vất vả không? Công ty có quan tâm, chăm lo đến đời sống cán bộ không? Em cũng như các anh/chị/em công nhân có biết khó khăn hiện tại của Công ty không? Suy nghĩ như thế nào?... Khi nhận được câu trả lời của chị Phượng, người đứng đầu Bộ Công Thương cảm thấy rất xúc động. Bởi, trong những lúc gian khó, tình cảm gắn bó và nghị lực của mỗi người càng bộc lộ rõ hơn. Tình cảm của những người lao động nơi đây thật mộc mạc, chân tình. Chị Phượng khẳng định, bản thân chị cũng như các công nhân vẫn biết khó khăn của Công ty, song với một cá nhân trong tổng thể hơn 900 người, chị xác định việc của mình cứ cố gắng hoàn thành tốt nhất là được.
Khi được hỏi về việc năm nay ăn tết có vui không, có chị đã bộc bạch, cả hai vợ chồng cùng làm ở đây, thay nhau ca kíp, con cái thì gửi về quê cho ông bà, nhưng chị vẫn rất vui vì được Lãnh đạo Công ty quan tâm, anh em vẫn vui vẻ làm việc bình thường trong những ngày Tết.
Thay mặt người lao động Công ty TNHH Đạm Ninh Bình, anh Nghiêm Duy Phương (Trưởng ca) hứa với Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ đoàn kết, không nản lòng, nỗ lực vượt khó để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại cùng Nhà máy.
Bộ trưởng biểu dương rất cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người lao động Công ty, đồng thời yêu cầu Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Lãnh đạo Công ty phải đặc biệt quan tâm, coi trọng người lao động, để họ yên tâm làm việc, đảm bảo cuộc sống. Theo Bộ trưởng, đây là nguồn lực vô cùng quý giá, nếu không trân trọng, người lao động nản lòng, sẽ bỏ đi và Công ty sẽ không bao giờ có thể tìm lại được. Trong những thời điểm khó khăn, cái quý nhất chính là tình cảm gắn bó của con người. Chỉ cần giữ được hơn 900 người lao động, để họ yên tâm làm việc thì Công ty mới có thể khôi phục trở lại.
Biến ý chí thành hành động cụ thể
Báo cáo chung về tình hình sản xuất, ông Vũ Văn Nhẫn Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sau khi khắc phục song sự cố máy nén khí K1301 tại xưởng Khí hóa ngày 03/11/2017, các điều kiện về máy móc thiết bị, công nghệ, nhân lực đã đủ điều kiện khởi động chạy lại máy từ 15/01/2018. Do thiếu vốn mua 40.000 tấn than để đảm bảo khởi động lại máy an toàn (lượng than tồn kho chỉ đủ sản xuất 09 ngày) nên phải đến ngày 22/01/2018 Ban điều hành mới quyết định bắt đầu khởi động lại Nhà máy.
Theo đó, từ ngày 22/01 và đến ngày 29/01/2018, Công ty sản xuất được xấp xỉ 27.000 tấn urê, bình quân mỗi ngày sản xuất gần 1.300 tấn và đang vận hành ổn định với phụ tải đạt 80% thiết kế. Xuất bán hàng được khoảng 22.000 tấn urê, lượng hàng tồn kho chủ yếu do các khách hàng dừng lấy trong dịp nghỉ Tết và Công ty đã tiếp tục trả hàng và xuất bán ngay từ ngày mồng 02 Tết. Giá bán urê Ninh Bình từ 6 – 6,3 triệu đồng/tấn đang cao hơn chi phí biến đổi khoảng 0,5 triệu đồng/tấn. Quan trọng là, người lao động có việc làm đã ổn định tư tưởng, yên tâm công tác với mức thu nhập đủ trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày.
Tuy nhiên, do Công ty vẫn đang gặp nhất nhiều khó khăn về vốn nên ông Vũ Văn Nhẫn rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các ngân hàng cho vay, bởi nếu không, bản thân ông cũng hoang mang việc "tồn tại hay không tồn tại" của Công ty.
Nhấn mạnh tại buổi làm việc, Bộ trưởng khẳng định, không thể nói đến chuyện tồn tại hay không tồn tại của Công ty, của Nhà máy Đạm Ninh Bình vì điều đó làm "tổn thương đến tình cảm của tập thể người lao động Công ty". Cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, Bộ Công Thương đến các Bộ, ngành, địa phương luôn dành cho Đạm Ninh Bình sự quan tâm đặc biệt và cũng luôn hiểu Công ty đã luôn nỗ lực như thế nào trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, "Các đồng chí phải có ý chí, biến ý chí thành hành động cụ thể" và "Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất sẽ còn làm việc với Công ty nhiều lần trong năm 2018 để tìm ra giải pháp, không thể phụ lòng những người lao động ca kíp, những người đang trông chờ vào sự hành động của các cơ quan quản lý".
Bộ trưởng cho rằng, Công ty nên tự hào vì cũng có công nghệ không thua kém, người lao động thì gắn bó, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, nhiều người tuổi đời còn trẻ nhưng đã có kinh nghiệm nhiều năm công tác...Theo Bộ trưởng, thời gian này cần chủ động vươn lên "trước khi trời cứu thì phải tự cứu lấy mình".
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, hiện Công ty gặp khó khăn lớn về vốn. Thứ trưởng cùng Lãnh đạo Vinachem đã làm việc cùng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam để ứng trước 40.000 tấn than giúp Nhà máy. Thứ trưởng khẳng định trong năm 2018, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục gỡ dần bài toán về vốn, về công nghệ giúp Nhà máy từng bước ổn định sản xuất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, "Chúng ta không thể buông xuôi, cùng nắm tay quyết liệt đi tới". Bộ trưởng nhắn nhủ, Lãnh đạo Tập đoàn, Công ty cần chung tay, gắng sức hơn nữa, bằng những hành động quyết liệt hơn để bảo vệ gia sản, bảo vệ hơn 900 người lao động nơi đây.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh bốn nội dung Lãnh đạo Tập đoàn và Công ty cần chú ý trong thời gian tới:
Một là, rà soát, đánh giá tổng quan về công nghệ, thương mại, quản trị doanh nghiệp để báo cáo Lãnh đạo Bộ hỗ trợ Công ty; đề xuất các phương án tối thiểu và phương án tối đa, có giải pháp thực hiện các giải pháp một cách cụ thể.
Hai là, Vinachem chủ động xây dựng, phát triển thị trường đủ mạnh để giữ thị phần, phát triển thương hiệu, mở rộng và liên kết trong hệ thống phân phối. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cùng Tập đoàn làm tốt công tác thị trường.
Ba là, nghiên cứu chính sách về thuế (phòng vệ thương mại...)
Bốn là, làm tốt công tác truyền thông, thông tin để mọi người hiểu những khó khăn của Công ty đồng thời thấy được sự nỗ lực vượt khó rất đáng tự hào của Lãnh đạo và người lao động Công ty.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần để cho mọi người thấy được rằng, cái gì thuộc về quá khứ chúng ta vẫn đối diện, vẫn khắc phục. Đây không phải là một dự án tồn đọng. Đây là một thương hiệu, một sản phẩm có ích cho nhà nông và là một hình ảnh của ngành công nghiệp hóa chất, rất đáng trân trọng.
Báo Ninh bình
- Xử lý 74 cửa hiệu bán khẩu trang vi phạm, thu nộp ngân sách gần 60 triệu đồng trong ngày 3/2/2020
- Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục giữ đà tăng trưởng
- Kết quả công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Hoàn thiện hạ tầng thanh toán: Thúc đẩy ngân hàng số
- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón