Sở Công Thương hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự báo thị trường, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kho bãi dự trữ đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. 06 doanh nghiệp phân phối tham gia Chương trình bình ổn giá đã tổ chức 100 điểm bán hàng bình ổn giá với trên 200 mặt hàng bình ổn giá thuộc 21 nhóm hàng, bao gồm các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến như bánh kẹo, mứt các loại, trứng các loại, đường trắng, dầu ăn, nước chấm các loại, mì tôm, mì chính, cà phê, rượu, bia, nước giải khát..., các điểm bán hàng bình ổn giá phân bổ trên các địa bàn trong toàn tỉnh, trong đó chú trọng tại địa bàn tập trung dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó các diêu thị như Siêu Thị Big C, siêu thị Vinmart Ninh Bình cũng đã chuẩn bị lực lượng hàng hóa tăng trên 30% so với năm trước để phục vụ nhân dân, đồng thời tích cực tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá góp phần ổn định thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, riêng khối các doanh nghiệp phân phối, siêu thị lớn lượng hàng dự trữ phục vụ Tết khoảng 220 tỷ đồng chiếm khoản gần 35% thị trường hàng hóa tiêu thụ dịp Tết. Ngoài ra các chợ, tiểu thương, hộ kinh doanh cũng tập kết đủ số lượng hàng hóa cần thiết và tích cực tham gia Chương trình bình ổn giá của tỉnh.
Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 tương đối ổn định, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chế biến, hàng công nghệ phẩm đều dư sức cung ứng ra thị trường, đến chiều 30 Tết ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh không có hiện tượng khan hàng hoặc thiếu hàng hóa cục bộ. Các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ Tết chủ yếu là hàng hóa do Việt Nam sản xuất, một số sản phẩm bánh kẹo có xuất xứ từ Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaixia, Singapor cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.
Tại một số huyện, thành phố đã tổ chức Chợ hoa Xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng hoa cây cảnh năm nay chủ yếu là Quất, Đào, Cúc, Mai, Lan, Bưởi cảnh, Cam cảnh... Mặt hàng hoa, cây cảnh được bày bán từ ngày 10 tháng Chạp, tuy nhiên lượng đào, quất, hoa, lan cây cảnh về nhiều, nên từ chiều tối 29 Tết nhiều thương nhân đã phải bán thấp hơn giá nhập để thu hồi vốn.
Do diễn biến phức tạp của Bệnh dịch và thời tiết, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo nắm sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng phục vụ Tết, nhất là mặt hàng thịt lợn tại các địa bàn huyện thành phố, nhằm đề phòng và có giải pháp với những biến động tăng giá bất thường, chống đầu cơ lũng đoạn thị trường các mặt hàng thịt và sản phẩm chế biến từ thịt.
Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 20% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm, tăng khoảng 8% so với năm trước. Giá trị hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán ước đạt trên 600 tỷ đồng. Các mặt hàng bao gồm: gạo tẻ khoảng 2.630 tấn; gạo nếp khoảng 1.200 tấn; đậu xanh khoảng 142 tấn; thịt gia súc gia cầm: 1.900 tấn; thủy hải sản khoảng 322 tấn; trứng gia cầm khoảng 11 triệu quả; thực phẩm chế biến khoảng 400 tấn; bánh, mứt, kẹo các loại khoảng 1.500 tấn; hạt các loại khoảng 77 tấn; trái cây các loại 2000 tấn; đường kính khoảng 194 tấn; dầu ăn khoảng 349 tấn; mỳ chính, bột ngọt, bột canh, hạt nêm khoảng 66 tấn; chè các loại khoảng 32 tấn muối; giá trị mặt hàng hoa cây cảnh, đào, quất khoảng 45 tỷ đồng.
Nhìn chung tình hình thị trường, giá cả hàng hóa Tết năm nay tương đối ổn định, một số ít hàng hóa giá có biến động nhưng không lớn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến, tình trạng buôn lậu gian lận thương mại được kiểm soát, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, các công trình thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn không xảy ra vụ việc mất an toàn cháy nổ. Việc cung ứng điện cũng được duy trì, thường xuyên liên tục. Công tác đảm bảo an toàn lưới điện cũng được đảm bảo, không có vụ việc tai nạn về điện nghiêm trọng nào xảy ra.
Ảnh và bài viết: Đinh Thị Thúy - Phòng Quản lý thương mại