Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới
Gạo ST24 của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều giống gạo của các nước khác để giành giải Nhất Cuộc thi gạo ngon thế giới 2019 trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới diễn ra ở Manila (Philippines) mới đây.
Trước đó, gạo ST24 cũng tạo được tiếng vang lớn tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) khi vinh dự lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới vào năm 2017. Loại gạo này cũng đạt giải nhất tại Festival lúa gạo lần thứ III - năm 2018 diễn ra tại Long An.
Tại Hội thi Gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 4/11 mới đây, gạo ST24 cũng xuất sắc đạt giải nhất và giành quyền dự thi Hội nghị Gạo thế giới.
Giống lúa ST24 do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương tại tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu lai tạo. Giống lúa thơm này được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây 10 năm. Năm 2014, giống được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền, cho sản lượng đạt tới 7 tấn một ha. Ngoài là giống lúa đặc sản, ST24 còn được coi là giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long do sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt ST24 rất thích hợp cho vùng xen canh lúa, tôm.
Hiện lúa ST24 chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến một số thị trường như Trung Quốc, Canada, EU… nhưng số lượng còn hạn chế. Năm 2018, có thời điểm, gạo ST24 xuất khẩu đi Trung Quốc tại chợ gạo Bà Đắc có giá 800 USD/tấn, cao gần gấp đôi các gạo thường. Gạo ST24 được ưa chuộng vì có đặc điểm hạt dài trắng tinh, dẻo, có mùi thơm dứa, cơm để nguội cũng vẫn giữ được độ dẻo thơm.
Xuất khẩu gạo của nước ta đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu sụt giảm ở các thị trường truyền thống. 10 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn với 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên các loại gạo chất lượng cao và có thương hiệu như ST24, gạo Hạt Ngọc trời… vẫn tìm được chỗ đứng riêng và cung không đủ cầu. Do đó, định hướng xuất khẩu gạo của nước ta trong thời gian tới là bên cạnh việc mở rộng các thị trường mới, các thị trường mà ta đã có hiệp định thương mại tự do, cần tập trung vào việc khuyến khích người dân sản xuất các chủng loại gạo chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực.
Theo congthuong.vn
Các tin khác
- Xử lý 74 cửa hiệu bán khẩu trang vi phạm, thu nộp ngân sách gần 60 triệu đồng trong ngày 3/2/2020
- Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục giữ đà tăng trưởng
- Kết quả công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Hoàn thiện hạ tầng thanh toán: Thúc đẩy ngân hàng số
- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón
Quảng cáo