Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong hội nhập
Ngày 5 tháng 3 năm 2019, tại Quảng Ninh, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại - Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế”.Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia - PGS. TS. Đàm Thanh Thế; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Bùi Văn Thắng; Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (Bộ Công An), đại diện lãnh đạo các cơ quan bộ ngành trung ương, địa phương, các Cục quản lý thị trường địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cơ quan chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và báo chí.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Bùi Văn Thắng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có công tác phối hợp phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh và đã mang lại kết quả nhất định.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia nhấn mạnh: Những năm qua, Văn phòng thường trực 389 đã tham mưu nhiều chỉ thị, kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu. Nhờ sự triển khai với tinh thần quyết liệt, thường xuyên, phối hợp chặt chẽ, trong giai đoạn từ 2014-2018, lực lượng 389 đã xử lý 1.057.000 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ; Thu nộp ngân sách hơn 91 nghìn tỷ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, doanh nghiệp chân chính, tổn hại người tiêu dùng...
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, thời gian qua, để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế, lực lượng QLTT đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, kịp thời triển khai nhiều Kế hoạch, phương án đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả công tác của lực lượng QLTT trong thời gian qua đã được đ/c Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia ghi nhận và biểu dương.
Riêng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng; Trong đó, nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp đã được lực lượng QLTT kịp thời kiểm tra, hoặc phối hợp kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, về tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm: Tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.
Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.
Ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng nêu trên và những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó chú trọng: tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; Rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách; Nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng QLTT; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tại địa phương, đại diện Cục QLTT Quảng Ninh cho biết, năm 2018, mặc dù đã đạt được kết quả tích cực thông qua kiểm tra, xử lý 3.647 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hóa là 21 tỷ đồng tuy nhiên với đặc thù địa hình biên giới trải dài cả trên bộ và trên biển, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu có điều kiện, cấm nhập khẩu như: thuốc lá điếu; hàng tiêu dùng, điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng, mỹ phẩm, thủy sản giống, khoáng sản, hoa quả .... Các đối tượng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn như: lợi dụng chế độ ưu đãi miễn kiểm tra của Hải quan, chính sách ưu đãi, miễn thuế của cư dân biên giới, thuê người theo dõi các lực lượng chức năng, vận chuyển hàng theo từng cung đoạn, sử dụng biển kiểm soát giả, cất giấu hàng vào hầm, vách ngăn, sử dụng hệ thống thủy lực ....
Chia sẻ về công tác xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự, Đại tá Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công An) cho biết: Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm xâm phạm SHTT luôn song hành với nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng cơ chế, chính sách, thành tựu khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm, trước đây đối tượng vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt dộng nhỏ lẻ thì nay, đối tượng có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay, nhưng nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng thì rất khó kiểm soát.
Năm 2018 lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can; chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy.
Sở dĩ còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này là do SHTT là lĩnh vực liên quan đến nhiều Bộ, ngành và cần phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản để bảo đảm tính thống nhất, nhưng trên thực tế mối quan hệ phối hợp trong soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.
Một khó khăn khác là công tác giám định. Hiện chỉ có Viện Khoa học SHTT là cơ quan giám định cao nhất, duy nhất về SHTT, nhưng để xử lý hình sự thì Cơ quan điều tra không thể dùng kết quả giám định của Viện KHHS làm chứng cứ mà phải trưng cầu Cơ quan giám định tư pháp nên cũng là một trong những khó khăn cho công tác xử lý hình sự. Bên cạnh đó, công tác phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa được chặt chẽ, thực tế còn xảy ra tình trạng chồng chéo, có những vi phạm để có thể xử lý được thì phải chờ kết luận của nhiều cơ quan liên quan khác nên dẫn đến vụ việc kéo dài, có những vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính.
Nhận thức của công chúng và của chủ thể quyền ở Việt Nam về SHTT còn hạn chế, chưa chủ động thực hiện bảo vệ quyền và tài sản của mình mà trông chờ vào Nhà nước, vào các cơ quan thực thi pháp luật.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Cục QLTT Hà Nội cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trong các năm qua chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô với sự tham gia của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước .
Song hành cùng với sự phát triển tích cực cũng như những lợi ích của hoạt động thương mại điện tử mang lại cũng tồn tại nhiều mặt trái, những tồn tại về gian lận thương mại trong TMĐT, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu.
Trong năm 2018 của Cục QLTT thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác và nhiều văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm về thương mại điện tử. Qua đó đã kiểm tra 120 vụ; Xử phạt vi phạm hành chính về TMĐT là 47 vụ. Tổng tiền phạt là 521.000.000 đồng và chuyển 01 vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.
Qua tổng hợp các vụ việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động TMĐT chủ yếu là các khiếu nại liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản; Sản phẩm dịch vụ không đúng thực tế; Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Các trang Website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư… Về chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là cá nhân (học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường)....hay việc khó khăn trong giao dịch cũng tạo cơ hội cho hàng gian hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng phát triển.
Để phòng chống gian lận thương mại trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại diện Cục QLTT TP Hà Nội đề xuất các giải pháp nâng cao tình hình.
Cần sự chung tay để nâng cao hiệu quả
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những kết của của lực lượng chức năng trong việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong năm 2018. Tuy nhiên do nhận thức làm luật về hàng giả, gian lận thương mại còn chưa có sự thống nhất trong bối cảnh hội nhập, tương thích với thông lệ quốc tế.
Ở Việt Nam chưa có luật riêng về chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT, mà nằm rải rác ở các văn bản khác nhau gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi pháp luật. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng ý kiến kiến nghị, của các cơ quan chức năng, thông qua các hội thảo khoa học như hội thảo này để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy phù hợp bối cảnh mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quốc tế, lực lượng QLTT cần chủ động xây dựng các kế hoạch đấu tranh sát thực tiễn, tăng cường giám sát hoạt động TMĐT, chủ động tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về hàng gian, hàng giả… Các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh doanh ổn định để phát triển.
Tại Hội thảo, đại diện đến từ Tổng cục Hải quan, Đại học Quốc gia Hà Nội, các doanh nghiệp như PV Gas, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao...cũng đã đưa ra nhiều phân tích những tác hại của tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm SHTT ...gây ra cho nền kinh tế, đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp, kiến nghị với Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm SHTT... trong đó đã nhận rõ tình hình, chỉ ra các giải pháp triển khai cụ thể. Qua đó, các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên kết quả chưa đạt được kỳ vọng về mục tiêu phát triển được một thị trường lành mạnh thị trường, bảo vệ tốt doanh nghiệp chân chính cũng như người tiêu dùng
Công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thực tiễn còn bất cập, do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc; Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thực sự chặt chẽ, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể. Năng lực, trình độ chuyên môn của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại… còn tồn tại; Một số công chức còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí sai phạm trong thực thi; Phương thức tác nghiệp trong bối cảnh mới còn yếu, nhất là trong bối cảnh công nghệ mới, môi trường mạng ngày càng phát triển.
Trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và quyền sở hữu trí tuệ...Bộ Công Thương cũng mong rằng tiếp tục nhận được sự phối hợp của các Bộ, ban ngành, địa phương liên quan trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, tổ chức những hội thảo chuyên đề, chuyên sâu trong từng lĩnh vực phù hợp với yêu cầu thực tế tạo ra hiệu quả cao nhất.
- Xử lý 74 cửa hiệu bán khẩu trang vi phạm, thu nộp ngân sách gần 60 triệu đồng trong ngày 3/2/2020
- Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục giữ đà tăng trưởng
- Kết quả công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Hoàn thiện hạ tầng thanh toán: Thúc đẩy ngân hàng số
- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón