Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Ngành công nghiệp về đích sớm
Ngay từ những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã diễn ra khá sôi động với nhiều dự án mới và sự phục hồi của một số ngành sản xuất trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, các chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp nói riêng đã tạo động lực đưa giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình tăng cao và về đích trước 1 tháng so với kế hoạch năm. Việc hoàn thành kế hoạch sớm của ngành công nghiệp đã góp phần quan trọng để thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong năm 2017, tạo đà cho năm tiếp theo.
 

Ngành công nghiệp về đích sớm

Ngay từ những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã diễn ra khá sôi động với nhiều dự án mới và sự phục hồi của một số ngành sản xuất trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, các chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp nói riêng đã tạo động lực đưa giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình tăng cao và về đích trước 1 tháng so với kế hoạch năm. Việc hoàn thành kế hoạch sớm của ngành công nghiệp đã góp phần quan trọng để thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong năm 2017, tạo đà cho năm tiếp theo.
 Năm 2017, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; những tác động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp tại địa phương, do vậy tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Tính đến hết tháng 11, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 13,67% so với tháng 11 năm 2016. Tính chung lại, 11 tháng đầu năm 2017 chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 18,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,98%, công nghiệp chế biến tăng 19,53%, ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện tăng 6,24%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 11,94%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm đạt 39.641,9 tỷ đồng, tăng 24,3% và vượt 7,1% so với kế hoạch năm.

Phân tích các yếu tố tăng trưởng, ông Lê Văn Hoan, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp-Sở Công thương cho biết: Sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng và về đích trước kế hoạch 1 tháng, khẳng định sự phục hồi và phát triển mang tính bền vững của ngành công nghiệp tỉnh nhà. 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp những năm trước khó khăn nay phục hồi nhanh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của tỉnh như Nhà máy Đạm Ninh Bình đã sản xuất trở lại, nâng mức tăng trưởng của sản phẩm phân đạm đạt 223,5 nghìn tấn, tăng 59,2%.

Năm 2017 cũng ghi nhận một bước tiến mới của Nhà máy ô tô Thành Công trong việc thỏa thuận với Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc về việc đầu tư Trung tâm sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường ASEAN. 

Bên cạnh đó, dự án đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 40.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại Khu công nghiệp Gián Khẩu cũng đã đi vào hoạt động, sản xuất ổn định. 

Công ty cũng chủ động xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện phụ trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 10.600 tỷ đồng, đầu tư tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Một số loại xe sản xuất ra hướng đến sử dụng năng lượng sạch, tiêu chuẩn khí thải Euro 4, Euro 5. Do đó, 11 tháng đầu năm sản lượng lắp ráp xe ô tô 5-14 chỗ đạt 17.783 chiếc, gấp 3,1 lần...

Một trong những yếu tố có tác động không nhỏ làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay phải kể đến khối doanh nghiệp FDI. Với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cũng như môi trường đầu tư thuận lợi của Ninh Bình, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng phục hồi sản xuất. Một số sản phẩm chủ lực tăng cao như: linh kiện điện tử đạt 185,2 triệu cái, tăng 12,7%; Modul camera đạt 78,2 triệu sản phẩm, tăng 63%...

Những kết quả trên đã phản ánh sự hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp của ngành chuyên môn cũng như định hướng của tỉnh. Một trong những chính sách được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/NQ-BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; Chương trình công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025. 

Đồng thời, Sở Công thương đã triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ban hành quyết định mở rộng CCN Gia Vân, CCN Mai Sơn; hướng dẫn UBND huyện Kim Sơn mở rộng CCN Đồng Hướng, UBND huyện Yên Mô thành lập CCN Yên Lâm; UBND thành phố Ninh Bình hoàn thiện hồ sơ mở rộng CCN Ninh Phong; UBND huyện Nho Quan về điều chỉnh quy hoạch CCN Xích Thổ... và tăng cường công tác thu hút, kêu gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào CCN. 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phát triển CCN đã dẫn 7 doanh nghiệp nước ngoài và 11 doanh nghiệp trong nước đi tìm hiểu, khảo sát đầu tư tại các CCN trên địa bàn tỉnh, đã thu hút 6 dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN: Gia Vân, Văn Phong, Cầu Yên, Mai Sơn, Ninh Phong (trong đó có 4 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 1.938,871 tỷ đồng. Hướng dẫn 3 nhà đầu tư Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư tại CCN Văn Phong, Khánh Thượng, Gia Phú.

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch khuyến công, xúc tiến thương mại với 38 đề án khuyến công và 20 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hơn 6,545 tỷ đồng. 

Các đề án đều tập trung vào các nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài nước, tuyên truyền quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại... đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. 

Theo đó, các chính sách thu hút đầu tư như: Đơn giản hóa thủ tục, nhất là việc bàn giao đất cho các dự án thuận lợi, quy trình được rút ngắn, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động, chế độ ưu đãi tối đa theo quy định của Chính phủ với tất cả các dự án đầu tư… đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp phát triển mạnh, đặt nền móng quan trọng cho những năm sau để kinh tế Ninh Bình tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cả nước và toàn cầu.

Theo báo Ninh Bình

Quảng cáo