Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Kim Sơn ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi bồi ven biển. Trải qua 9 lần quai đê lấn biển, diện tích tự nhiên của huyện là 21.571,4 ha, tăng hơn 4 lần so với ngày đầu mới thành lập. Có thể chia Kim Sơn hình thành 2 vùng địa lý kinh tế: Các xã khu vực phía nam (trung tâm là thị trấn Bình Minh) nằm ở ven biển có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản. Với trên 10.000 ha vùng bãi bồi ven biển rộng lớn và các xã bãi ngang, chứa đựng nhiều tiềm năng về thuỷ sản và du lịch.
Các xã phía bắc (trung tâm là thị trấn Phát Diệm) thuộc khu vực phù sa bồi đắp đất đai màu mỡ, có thế mạnh phát triển cây lương thực, trong đó cây lúa là cây trồng chủ lực. Cùng với phát triển thủy sản, sản xuất lúa, Kim Sơn còn có tiềm năng phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
Đặc biệt với các lợi thế trên 15km bờ biển nằm giữa hai cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn; vùng bãi bồi ven biển có giá trị về đa dạng sinh học, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; nơi có thắng cảnh Nhà thờ Đá Phát Diệm, từ lâu đã nổi tiếng với các đặc sản như rượu Kim Sơn, bún mọc, hải sản… Kim Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch với các loại hình đa dạng như: Du lịch thắng cảnh; du lịch làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái…
Dựa trên các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm qua, huyện Kim Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện, tập trung vào các lĩnh vực như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống; nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; công nghiệp, xây dựng; khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch.
PV: Với sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều khởi sắc, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật?
Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh và giành được thắng lợi cả trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Kim Sơn luôn là huyện dẫn đầu của tỉnh về năng suất, sản lượng lúa, bình quân hàng năm đạt 120 tạ/ha, sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 100.000 tấn; diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao ngày càng tăng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp. Riêng năm 2018, năng suất lúa đạt 61,75 tạ/ha/vụ, tổng sản lượng lúa đạt 101.196 tấn; sản lượng lương thực có hạt đạt 103.952 tấn.
Từ năm 2016, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 11/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030”, kinh tế nông nghiệp của Kim Sơn bước đầu đạt được những kết quả tích cực, nhận thức, tập quán truyền thống đang dần chuyển sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp đã được nâng lên từ 57,17 triệu đồng vào năm 2008 lên 160 triệu đồng năm 2018.
Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển, huyện đã huy động các nguồn lực của địa phương và tranh thủ vốn đầu tư của tỉnh, của Trung ương để đầu tư, phát triển kinh tế biển. Đến nay, nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, với trên 10.000 ha vùng bãi bồi ven biển và các xã bãi ngang.
Các hộ nuôi từng bước duy trì và cải tạo môi trường vùng nuôi, ổn định các con giống chủ lực là tôm sú, cua càng xanh, ngao vạng và đang xây dựng các mô hình chuyển đổi con giống cho phù hợp với đồng đất như cá bống bớp, cá mú, cá nác, cá vược… Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản hàng năm đạt trên 20.000 tấn. Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản là 4.116,6 ha, tổng sản lượng thuỷ, hải sản đạt 26.005 tấn.
PV: Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể?
Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Trong những năm gần đây, ngành Công nghiệp - Xây dựng đã đạt mức tăng trưởng bình quân trên 17%/năm. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,5%.
Đến nay, Kim Sơn có 25 làng nghề được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận làng nghề truyền thống. Trong đó, có 24 làng nghề chiếu cói như: Làng nghề Trì Chính, Kiến Thái, Thủ Trung (xã Kim Chính), Đồng Đắc, Hướng Đạo (xã Đồng Hướng) và Ninh Mật, Yên Thổ (xã Yên Mật)....và trên 20 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ từ cói và các nguyên liệu tự nhiên khác.
Cơ sở hạ tầng của Cụm công nghiệp Đồng Hướng từng bước được đầu tư nâng cấp, hiện nay đã có 8 doanh nghiệp đang hoạt động với ngành nghề chủ yếu là may mặc, tiểu thủ công nghiệp (trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Giá trị xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp đạt trên 23 triệu USD/năm. Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động và góp phần tăng thu nhập cho người dân.
PV. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2019 và những năm tiếp theo, huyện Kim Sơn tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Trong thời gian tới, Kim Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế toàn diện. Trong đó, trọng tâm là làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng kinh tế biển.
Tăng cường công tác quản lý, tập trung khai thác có hiệu quả vùng bãi bồi ven biển; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh nợ lớn xây dựng cơ bản; thực hiện nghiêm túc việc điều hành ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế, tạo điều kiện, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Đồng Hướng, khu vực bãi bồi ven biển; tạo điều kiện để triển khai dự án Âu Kim Đài, kè Cồn Nổi, Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu đô thị Phát Diệm đạt hiệu quả, đúng tiến độ.
Kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển giống cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác; xây dựng và phát triển một số mô hình về sản xuất nông nghiệp hiệu quả phù hợp với địa phương...
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới. Huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 Kim Sơn có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và mỗi xã xây dựng 1 thôn, xóm kiểu mẫu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Báo Ninh bình