Chào mừng bạn đến với Sàn Thương mại điện tử Ninh Bình!
Tiếp tục tận dụng cơ hội của Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ do Bộ Công Thương tổ chức vừa diễn ra sáng ngày 18/5 tại TP. HCM đã thu hút hơn 300 đại biểu là đại diện của nhiều Bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp cũng như các chuyên gia từ Việt Nam và Hoa Kỳ. Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích cung cấp thông tin, cập nhật tình hình chính sách, đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp để giúp định hướng cho doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Hoa Kỳ một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Tiếp tục tận dụng cơ hội của Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ

Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ do Bộ Công Thương tổ chức vừa diễn ra sáng ngày 18/5 tại TP. HCM đã thu hút hơn 300 đại biểu là đại diện của nhiều Bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp cũng như các chuyên gia từ Việt Nam và Hoa Kỳ. Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích cung cấp thông tin, cập nhật tình hình chính sách, đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp để giúp định hướng cho doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Hoa Kỳ một cách chuyên nghiệp và bài bản.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (là năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ. Từ hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Một đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ cho nhau của hai nền kinh tế. Trong khi Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ làm đầu vào cho hoạt động sản xuất… thì Hoa Kỳ lại có xu hướng nhập khẩu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hoặc các sản phẩm dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử. Đây đều là những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế lợi thế cạnh tranh nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi và lợi thế về nhân công.

Tăng trưởng thương mại hai chiều diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương trên tất cả các mặt giữa hai nước, từ chính trị - kinh tế, cho tới an ninh – quốc phòng ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều theo hướng bền vững và hài hòa sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Đây cũng là tinh thần chung đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhất trí trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ vào tháng 5/2017.

Một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau. Doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tiểu bang nào phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Gần đây Hoa Kỳ đã hoàn tất Nghị trình Chính sách Thương mại năm 2018 mới được công bố cho thấy Hoa Kỳ đã hoàn tất việc hệ thống hóa chính sách thương mại, cùng với định hướng của Chiến lược An ninh quốc gia.

Những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi đánh giá cao định hướng phát triển của nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam khi đã xác định được chiến lược đúng đắn để tìm kiếm cơ hội ở những phân khúc thị trường phù hợp, từng bước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang thị trường Hoa Kỳ và nhiều thị trường khác. Đây cũng là nền móng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam khác mạnh dạn đầu tư, xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội trên thị trường thế giới. Bộ Công Thương hoan nghênh khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, thông qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn và kêu gọi doanh nghiệp chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ các máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp, phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu.

Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ trở thành một sự kiện thường niên, là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương, đặc biệt là các cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Quảng cáo